Mốt văn phòng mở: Sai lầm của Google, Yahoo, Goldman Sachs?

(Dân trí) - Được xem như một làn sóng mới về thiết, văn phòng không vách ngăn đã trở thành mốt của thế giới khi Google, Yahoo, eBay, Goldman Sachs và nhiều tên tuổi lớn khác tại Mỹ đua nhau “xóa nhòa” khoảng cách giữa các phòng ban. Nhưng đằng sau sự tiện lợi là không ít nỗi khổ khó nói.

Văn phòng không gian mở mang đến không gian thoáng đãng nhưng cũng nhiều phiền toái (Ảnh: Internet)
Văn phòng không gian mở mang đến không gian thoáng đãng nhưng cũng nhiều phiền toái (Ảnh: Internet)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Các sếp ngân hàng tính nhận thù lao thế nào?

* Đường tàu điện ngầm uốn lượn: Cần xem lại khoảng cách giữa các ga

* “Dọn đường” để đưa doanh nghiệp SBIC lên sàn

* VietinBankSc bất ngờ thay thế hàng loạt thành viên HĐQT

* Ông chủ bỏ trốn: Tricon Tower, Sky Garden thành điểm chết

* Bỏ tư duy “con cháu trong nhà”, đường sắt sẽ hết độc quyền?

Chia sẻ sau đây của Lindsey Kaufman, nhân viên một công ty quảng cáo lớn tại New York hẳn sẽ khiến nhiều ông chủ phải nghĩ lại, khi tính chuyện hiện đại hóa văn phòng theo hướng không gian mở.

Theo Kaufman, sau 9 năm làm việc với tư cách một nhà sáng tác cấp cao, được ngồi phòng riêng, việc phải ngồi chung với các đồng nghiệp khác trên một bàn dài, không có vách ngăn khiến chị cảm thấy như bị “ông chủ lột bỏ quần áo của tôi và bắt tôi đứng đó phơi mình”.

Văn phòng dù đẹp, thoáng đãng nhưng lại khiến người ta thấy ngột ngạt bởi không có gì là riêng tư.

“Ngay ngày đầu tiên, tôi ngồi vào vị trí tại chiếc bàn được dành riêng cho phòng sáng tạo, gần một phụ nữ tốt bụng mà tôi ngờ rằng từng là một cái còi hơi ở kiếp trước. Suốt cả ngày tiếng chân đi lại, la hét, cười của chị ta cùng tiếng nhạc ầm ĩ tuôn ra từ hệ thống loa phát thanh” khiến Kaufman không thể tập trung.

Ngoài ra, do là người uống nhiều nước, Kaufman cũng cảm thấy ái ngại khi các đồng nghiệp dường như ngồi đếm xem chị đi vào nhà vệ sinh bao nhiêu lượt mỗi ngày. Và khi hết giờ làm, việc ra về lúc 17 giờ 04 phút hàng chục cặp mắt dõi theo khiến Kaufman không khỏi ái ngại. Để giải quyết vấn đề tiếng ồn, chị lập tức mua một cặp tai nghe chống ồn màu xanh neon rực rỡ.

Bất chấp những rắc rối mô hình văn phòng mở đem lại, thiết kế này vẫn đang được ngày một nhiều doanh nghiệp tại Mỹ áp dụng. Theo ước tính của Hiệp hội quản trị tiện ích quốc tế, khoảng 70% văn phòng tại Mỹ hiện không còn vách ngăn hoặc nếu có cũng thấp hơn.

Đi đầu trong xu hướng này là các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon, với các tên tuổi như Google, Yahoo, eBay, Goldman Sachs và American Express. CEO của Facebook Mark Zuckerberg cũng đã đề nghị kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry thiết kế văn phòng mở lớn nhất thế giới, với diện tích sàn đủ cho gần 3000 người làm việc.

Là một doanh nhân, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg là một trong những người đầu tiên gia nhập xu hướng văn phòng mở, với khẳng định nó giúp đề cao sự minh bạch và công bằng. Ngay cả tòa thị chính thành phố nơi ông từng làm việc cũng được biến thành một văn phòng không vách ngăn.

Thiết kế này là lí tưởng cho mục tiêu tối đa hóa diện tích của công ty trong khi giảm thiểu chi phí. Bên cạnh đó, các ông chủ cũng thích việc có thể theo dõi nhân viên bất kỳ lúc nào, hạn chế tình trạng làm việc riêng trong giờ làm việc.

Tuy vậy, có vẻ như họ đang nhận được cảm giác sai lầm về sự cải thiện năng suất lao động. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy, nhiều nhân viên trong các văn phòng không vách ngăn thấy khó chịu bởi sự xao lãng, vốn dẫn tới năng suất thấp hơn. Gần một nửa số nhân viên được khảo sát cho biết việc thiếu sự riêng tư cần thiết là rắc rối lớn với họ, và hơn 30% phàn nàn về việc thiếu sự riêng tư về góc nhìn.

Trong khi đó, “sự dễ dàng tương tác” với các đồng nghiệp dường như không phải vấn đề chính, khi chỉ chưa tới 10% người lao động trong bất kỳ loại văn phòng nào đề cập tới.

Trong một nghiên cứu trước đó, kết quả cho thấy “sự sụt giảm năng suất do xao lãng vì tiếng ồn…tăng gấp đôi trong các văn phòng dạng mở so với các văn phòng riêng”.

Tờ New Yorker trong một bài viết đánh giá về thiết kế nội thất văn phòng mới này khẳng định, lợi ích của việc xây dựng đơn giản đã phủ mờ những tác động tiêu cực của nó gây ra đối với năng suất lao động.

Dù các nhân viên cảm thấy mình là một phần của một môi trường hiện đại, chính môi trường ấy lại phá vỡ sự tập trung, năng suất, tư duy sáng tạo và cảm giác hài lòng ở họ. Hơn thế nữa, cảm giác riêng tư giúp tăng năng suất lao động, trong khi điều ngược lại có thể gây ra cảm giác vô dụng.

Một thực thế khác mà Lindsey Kaufman chỉ ra đó là các đồng nghiệp của chị cũng như bản thân chị dễ bị lây bệnh từ những người xung quanh. Mùa cảm cúm năm ngoái, các đồng nghiệp trong cơ quan chị đã đổ bệnh hàng loạt như những quân domino.

Trong khi sự gắn kết với những người khác tăng lên ngoài mong đợi, kết quả làm việc của bản thân Kaufman giảm sút xuống mức thấp chưa từng có. Mỗi ngày, chị và các đồng nghiệp ngồi nhìn nhau chằm chằm và có những cuộc trò chuyện 12 người suốt từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều.

Những người từng làm việc nhiều năm trong văn phòng riêng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với Kaufman, chị chỉ có thể làm việc tốt khi xung quanh không còn ai, hoặc những lúc có thể tranh thủ phòng họp còn trống và tĩnh tâm trong đó.

Do đó, theo ý kiến của Kaufman, nếu các ông chủ thực sự muốn mô hình văn phòng mở phải cân nhắc các biện pháp tăng cường hiệu suất công việc. Với một số nhóm nhân viên cần cho họ không gian kín đáo hơn những người khác.

Bên cạnh đó, nên có một số quy tắc về tương tác giữa các nhân viên được thực thi, ví dụ khi thấy một đồng nghiệp đeo tai nghe, những người khác không nên trực tiếp tới làm phiền mà hãy gửi email hoặc quay lại vào thời điểm khác thích hợp hơn. Và tất nhiên việc phát nhạc khắp cả văn phòng cũng không phải ý hay, khi có nhiều người đơn giản là không thích và sẽ bị xao lãng khi nghe nhạc khi làm việc.

Thanh Tùng
Theo Washington Post

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”