Một tỉnh Trung Quốc có 2.000km cao tốc, Việt Nam 35 năm làm được 400 cây
(Dân trí) - Tỉnh Vân Nam, Quảng Tây - Trung Quốc trung bình 3 năm làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ làm được hơn 400km.
Chiều nay (11/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về điều chỉnh hình thức đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Dự án sinh lời vẫn chuyển đổi
Tại đây, đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội - nhắc lại thông tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập mới đây rằng “tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) trung bình 3 năm làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km”.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội: “Thật xót xa! Dự án cao tốc Bắc - Nam là huyết mạch rất quan trọng, tạo ra giá trị kinh tế lớn, thế mà bây giờ chúng ta chưa làm được bao nhiêu” - ông Phong nói.
Về chuyển đổi 3/5 dự án từ đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công, ông Phong bày tỏ sự băn khoăn khi tờ trình của Chính phủ nói rằng chuyển sang đầu tư công thì tiến độ thực hiện dự án sẽ nhanh hơn: “Tôi nói thật, làm vốn tư nhân bỏ ta thì lúc nào cũng làm nhanh và tốt. Nay chúng ta bảo chuyển sang đầu tư công nhanh hơn khiến tôi rất băn khoăn”.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội, 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công đều được đánh giá là tốt nhất trong việc thu hồi vốn, sinh lời so với các dự án còn lại, nay lại chuyển sang đầu tư công là không đúng nguyên tắc “cái gì khó, tư nhân không làm thì Nhà nước mới làm. “Nay thấy dễ Nhà nước làm trước, khó thì để đó tính sau. Vậy điều này có đúng với chủ trương mà lâu nay chúng ta đưa ra không?” - ông Phong nói.
Rất thuyết phục, nhưng…
Đồng tình với việc chuyển đổi 3 dự án PPP sang đầu tư công, nhưng đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nêu nghịch lý: Trước đây khi trình dự án cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đề xuất 8 đoạn thu hút đầu tư theo hình thức PPP rất thuyết phục. Lúc chuyển đổi toàn bộ 8 dự án PPP sang đầu tư công cũng thuyết phục. Nay chuyển đổi 3/8 dự án từ PPP sang đầu tư công cũng vẫn thuyết phục.
“Điều này cho thấy công tác dự báo chưa khả thi. Cái này Chính phủ cần rút kinh nghiệm và cần tính toán 5 đoạn còn lại nếu không thu hút được vốn tư nhân thì có chuyển tiếp sang đầu tư công không? Cần dự báo tốt để sớm có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam” - ông Hạ nói.
Đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng đề nghị rà soát lại chính sách PPP để trả lời câu hỏi: Vì sao không thu hút được các nhà đầu tư làm BOT giao thông? Tại sao nhà đầu tư trong nước thờ ơ, còn doanh nghiệp nước ngoài lại bị loại? Phải chăng do cơ chế chính sách, chưa có hành lang pháp lý đồng bộ.
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm. Chính sách không ổn định thì không nhà đầu tư nào dám đầu tư. Làm sao thu hút được nhiều nguồn lực không chỉ trong nước mà cả quốc tế”, ông Hạ kiến nghị.
Vì sao phải chuyển đổi hình thức đầu tư?
Giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Cuối tháng 11/2017, Dự án được trình Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, từ tháng 11/2017 - tháng 10/2018, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn tư vấn cho 11 dự án, thẩm định và lập hồ sơ. Tháng 10/2018, Bộ GTVT hoàn thành toàn bộ hồ sơ dự án đã phê duyệt.
Từ tháng 6 - 9/2019, thực hiện đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc - Nam theo tinh thần thu hút vốn. Bộ GTVT đã tiếp cận 100 nhà đầu tư trong nước và 70 nhà đầu tư nước ngoài. Đến tháng 9/2019, Bộ GTVT nhận được 32 hồ sơ của nhà đầu tư nước ngoài và chủ yếu là nhà đầu tư đến từ các nước châu Á.
“Bộ GTVT đã báo cáo với cấp lãnh đạo chủ chốt và thống nhất công bố hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc - Nam, chuyển sang đấu thầu trong nước” - ông Thể nói và thông tin từ tháng 10/2019 đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện xong toàn bộ công tác sơ tuyển và có khoảng 20 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, trong đó 7 dự án có từ 2-5 nhà đầu tư sơ tuyển, 1 dự án không có nhà đầu tư.
Vì sao phải chuyển đổi hình thức đầu tư? Bộ trưởng GTVT cho hay: Tháng 11/2017 - thời điểm chủ trương đầu tư cho phép huy động vốn nước ngoài và trong nước nên rất thuận lợi. Tháng 6 đến tháng 9/2019 - thời điểm Bộ GTVT báo cáo với Bộ Chính trị thì có 32 nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên xét ở nhiều góc độ nên đã quyết định thay đổi mục tiêu dự án và hủy đấu thầu quốc tế, chuyển qua đầu tư trong nước.
“Khi chuyển qua đấu thầu trong nước thì vấn đề gặp khó khăn là vốn. Bộ GTVT đã báo cáo Bộ Chính trị, Báo cáo với Ủy ban Kinh tế (2 lần), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2 lần) trước khi có sự thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để có Tờ trình báo cáo trước hội trường Quốc hội ngày hôm nay” - ông Thể nhấn mạnh và cho biết tất cả các con số đã công bố được sàng lọc, rà soát một cách kỹ lưỡng.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, thực tế hiện nay rất khó thu hút được nguồn vốn tín dụng để thực hiện dự án. Liệu 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP có thành công hay không? Tất cả 5 dự án cần 22.000 tỷ đồng, mỗi dự án bình quân cần khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu không huy động được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì dự án không thể khởi công dự án.
“Hiện nay, nếu vay vốn ngân hàng thì lãi suất là 10,5%/năm, trong khi vốn trái phiếu Chính phủ phát hành là 3,5%/năm. Như vậy, sử dụng vốn trái phiếu sẽ giảm được lãi ngân hàng rất lớn. Trong khi đó, với 3 dự án đã khởi công, thực hiện đầu tư công thực hiện theo Nghị quyết 52 và có sửa đổi quy định để thu phí hoàn vốn cho Chính phủ” - ông Thể cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh