1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi…”

(Dân trí) - “Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng…”, ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE ví von khá thú vị khi tham luận tại Hội nghị bất động sản quốc tế IREC 2018 chiều qua (6/9).

Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE.
Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE.

Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện Bất động sản Dubai, Dubailand, UAE đã có những phân tích, lối so sánh, dẫn chứng khá thú vị khi giới thiệu về khái niệm “Thành phố thông minh – Thành phố hạnh phúc” – một trong loại hình bất động sản mới mẻ và hấp dẫn tại Việt Nam.

Trước khi tham dự hội nghị này, ông Mahmound Al Bruai cho biết, ông rất muốn tìm hiểu một thành phố hạnh phúc thì có đặc điểm như thế nào. Và để tìm câu trả lời cho riêng mình, ông đã đến 2 quốc gia được đánh giá hạnh phúc nhất là Đan Mạch và Phần Lan.

Điều khiến ông Mahmound ngạc nhiên đó là đường phố ở 2 quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới” lại rất vắng vẻ. “Tại sao lại thế, tôi tưởng là thành phố hạnh phúc thì phải rất đông vui nhộn nhịp”, ông Mahmound tự đặt câu hỏi.

Từ đó, ông Mahmound rút ra rằng, không có một công thức chung nào cho khái niệm “hạnh phúc”. Đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc. Người dân muốn đô thị của mình như thế nào thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế.

“Nếu người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc. Chúng ta không thể quên vai trò của người dân. Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân của mình chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác”, ông Mahmound nhấn mạnh đến yếu tố con người trong việc phát triển các đô thị thông minh.

Liên hệ với việc phát triển đô thị hạnh phúc ở Dubai, vị chuyên gia cho biết họ đã đưa chương trình nghị sự về hạnh phúc vào các cuộc bàn luận của chính phủ và thậm chí đã có một chức danh là Bộ trưởng Hạnh phúc.

“Và chúng tôi yêu cầu các bộ, ngành phải đảm bảo rằng mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho những người mà các bộ, ngành đó phục vụ. Người dân thậm chí còn được đánh giá các dịch vụ bằng các biểu tượng cảm xúc và chính phủ có thể biết được là người dân hài lòng ở đâu và không hài lòng ở chỗ nào. Với sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi rõ rệt về mức độ hài lòng của người dân”, ông Mahmound thông tin.

Ông Mahmound tiếp tục nhấn mạnh, chúng ta phải tính đến các yếu tố từ người dân và lấy người dân làm trung tâm khi muốn phát triển đô thị hạnh phúc. Hãy nghĩ một đô thị là một ngôi nhà, ngôi nhà đó có rất nhiều các căn phòng, và trong đó là một gia đình. Gia đình đó luôn cần phải kết nối với nhau và hàng xóm của họ. Nghĩa là, một đô thị thông minh là đô thị có thể giúp con người được kết nối với nhau một cách dễ dàng. Nhân tố đem lại sự hạnh phúc chính là "bền vững". Khi xây dựng đô thị, chúng ta có thể xây dựng hạ tầng, nhà cửa dựa trên một mật độ xây dựng phù hợp. Cần đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, sự gắn kết giữa người với người, với xã hội là nhân tố làm nên thành phố hạnh phúc. Khi chúng ta xây dựng đường sá nhưng mật độ đô thị lại quá dày. Qua nghiên cứu, khi những người dân được kết nối với nhau sẽ hạnh phúc và sống lâu hơn. Những đô thị hạnh phúc là những đô thị mức độ tin tưởng cao. Do vậy, cần có những thiết chế tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.

Chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị nhưng cũng phải lưu ý đến môi trường và giữ gìn môi trường. Jan Gelh, tác giả cuốn sách "Cities for People" đã nói rằng: Hãy xây dựng các thành phố cho con người, vì con người. Ông Mahmound cho rằng, đó chính là cốt lõi của các đô thị hạnh phúc.

"Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau", ông Mahmound tiếp tục có những chia sẻ thú vị.

Dẫn số liệu thống kê từ Hà Lan, ông Mahmound đưa ra thông tin "người đi xe đạp hạnh phúc hơn đi xe hơi". Thực tế, các phương tiện giao thông cũng tác động đến hạnh phúc của con người. Nhân tố nữa mang lại hạnh phúc là xây dựng hạ tầng và mảng xanh đô thị. Yếu tố nữa là sự bình đẳng. Sự bất bình đẳng gia tăng sẽ giảm hạnh phúc.

Vị này cũng cho ra rằng, nếu xây dựng quốc gia mang yếu tố thể chế hòa nhập, quốc gia sẽ thành công. Ngược lại, quốc gia xây dựng thể chế cho người giàu, quốc gia đó sẽ thất bại. Ở các thành phố, người dân phải có khả năng tiếp cận với phúc lợi xã hội, với khả năng sở hữu nhà. Một thành phố mà người dân không có khả năng có nơi ở thì không thể gọi là một thành phố hạnh phúc.

"Thành tố môi trường, môi trường tự nhiên cũng tác động đến chỉ số hạnh phúc. Quản trị tốt các ngành, các cấp cũng tác động lớn đến sự hạnh phúc của người dân", ông Mahmound nói.

Năm 2015, nhiều quốc gia trên thế giới đã thống nhất về 17 mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo, hòa bình, hợp tác và bảo vệ môi trường. Trong đó, môi trường là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển các đô thị bền vững.

Nguyễn Khánh

“Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi…” - 2