1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Một ông doanh nghiệp 40 cân gánh 3-4 tạ khó khăn thì sống sao nổi!"

(Dân trí) - Đây là nhận xét của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trước thực trạng có tới 7.000 giấy phép con đang ngáng chân, giăng bẫy doanh nghiệp, người dân. Trong khi đó, không ít bộ ngành vẫn "phớt lờ" coi như không có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới.

Có khoảng 7.000 giấy phép con đang làm khó doanh nghiệp
Có khoảng 7.000 giấy phép con đang làm khó doanh nghiệp

Chưa kinh doanh đã thấy cả một rừng quy định

Một trong những thông tin "sốc" được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại một cuộc họp báo ngày 22/4 đó là số lượng giấy phép con đã lên tới con số 7.000, trong số đó có đến một nửa là không còn hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI chia sẻ, ông rất lấy làm lạ là ngoài những điều kiện kinh doanh được quy định bằng những Thông tư trước đây, thì một số bộ, ngành vẫn "phớt lờ" coi như không có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và tiếp tục ban hành những giấy phép con.

Đây chính là một trong những điểm khiến môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên không những chưa thuận lợi, kém thân thiện mà còn thiếu an toàn. Vụ việc ông chủ quán cà phê Xin Chào vừa bị khởi tố hình sự thời gian gần đây là một trong những minh chứng rõ nhất cho điều này.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) không khỏi ngao ngán khi cho biết, khi rà soát lại hệ thống giấy phép con, bản thân Bộ KHĐT cũng thấy có cả một rừng văn bản pháp lý với doanh nghiệp. "Chưa kinh doanh mà đã thấy cả một rừng quy định thì làm ăn sao nổi!" - bà Thủy cảm thán.

Hiện tại, Bộ KHĐT đang được giao chủ trì trong việc rà soát giấy phép con, các điều kiện kinh doanh để giúp doanh nghiệp dễ thở hơn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong quá trình thực hiện, Bộ KHĐT gặp rất nhiều khó khăn. "Có những cuộc họp chúng tôi tổ chức nhưng các bộ không thật sự quan tâm. Anh Đông (Thứ trưởng Đặng Huy Đông - PV) rất nhiều lần phàn nàn rằng đến cả việc cử người tham dự cũng không có các cấp lãnh đạo bộ mà chỉ cử các Vụ đi họp mà thôi, về cũng không biết báo cáo bộ như thế nào" - bà Thủy giãi bày.

Theo lộ trình, đến 1/7 tới đây, những điều kiện kinh doanh trong các văn bản cấp Thông tư trở xuống sẽ không còn hiệu lực. Bộ KHĐT đang rà soát để phân loại, với những loại giấy phép, điều kiện kinh doanh không chứng minh được sự cần thiết thì kiên quyết phải loại bỏ, còn những quy định thật sự cần thiết, có liên quan đến sức khỏe người dân, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng... thì sẽ được nâng lên cấp Nghị định.

"Chúng tôi đã đề nghị các bộ rà soát thật chặt chẽ cái gì cần bỏ, cái gì giữ lại, nhưng các bộ chuyên ngành cũng bảo vệ rất mạnh mẽ quan điểm của họ, cho rằng những quy định mà họ ban hành đều phù hợp và cần thiết" - vị đại diện Bộ KHĐT cho hay.

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà (ảnh: VGP)
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà (ảnh: VGP)

"Con chuột sa chĩnh gạo chắc chắn nó ăn..."

Đưa ra bình luận về câu chuyện này, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) đánh giá, doanh nghiệp đang phải cõng trên lưng quá nhiều gánh nặng. "Một ông ốm yếu 40 cân mà phải gánh đến 3-4 tạ khó khăn thì không sống nổi!" - ông Hà nhận xét.

Do đó, theo ông Hà, cần phải làm thế nào để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh để họ có thể sống được, tối thiểu là nuôi được gia đình và hơn nữa là tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo sản phẩm cho nền kinh tế.

Lãnh đạo VPCP cũng chỉ ra một thực tế tréo ngoe hiện nay là như Thông tư lại có hiệu lực thực tế cao hơn cả Nghị định, một văn bản của lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện lại có giá trị cao hơn Thông tư. Chủ trương là giảm số lượng giấy phép con, số điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng thực tế, việc các cấp ban hành ra các loại quy hoạch, bản thân cũng chính là một dạng điều kiện. "Tôi chắc chắn rằng người ta đang phải "chạy" để có được giấy phép xây quán karaoke, khách sạn, cơ sở lưu trú..., một giấy phép như vậy rất nhiều tiền" - ông Hà quả quyết.

Theo ông Hà, nếu còn nhiều giấy phép, còn tình trạng xin - cho thì chi phí không chính thức sẽ còn không ngừng tăng lên. "Rất nhiều cái còn phải xin, mà khi đã xin là phải mất chi phí, chắc chắn là như vậy. Khi còn giấy phép thì còn chi phí, nên tôi hy vọng sẽ giảm được tối đa số lượng giấy phép trên thực tế. Sắp tới phải loại trừ được hiện tượng này. Con chuột sa chĩnh gạo chắc chắn nó ăn nên không thể để chĩnh gạo hớ hênh như thế được" - vị lãnh đạo VPCP ví von.

Ông Hà cũng đánh giá, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính không cao. "Bản thân tôi rất mong muốn rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết hơn với các bộ ngành địa phương không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người đứng đầu. Đi kèm theo trách nhiệm là chế tài tương ứng, nhưng hiện tại chúng ta chưa có chế tài" - ông Hà nhìn nhận.

Trong đó, chế tài mạnh mẽ nhất hiện nay là công khai danh tính những lãnh đạo, Bộ trưởng không thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ. "Nếu các Bộ trưởng không làm được thì đừng bầu. Kỳ họp tới Quốc hội sẽ thực hiện bầu lại Bộ trưởng, nếu các vị Bộ trưởng không thực hiện tốt trách nhiệm Thủ tướng giao, Chính phủ giao thì đề nghị các đại biểu Quốc hội không bỏ phiếu" - theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà.

Bích Diệp

"Một ông doanh nghiệp 40 cân gánh 3-4 tạ khó khăn thì sống sao nổi!" - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm