Một căn hộ bán cho nhiều người: Trầy trật đi đòi nhà
(Dân trí) - Đóng tiền mua căn hộ từ 80% đến 100% nhưng đến lúc tìm hiểu thì mới "tá hoả" khi chủ đầu tư đã mang chính căn hộ đó bán cho 4 người khác. Câu chuyện trầy trật đòi nhà ở dự án chung cư Gia Phú có lẽ là điển hình nhất cho nỗi đau của người mua chung cư.
Một căn hộ bán cho 4 người
Chung cư Gia Phú (số 68 -72 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú (Công ty Gia Phú) làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 2 khối nhà cao 18 tầng, trong đó có 1 tầng hầm, 2 tầng làm trung tâm thương mại và 15 tầng làm chung cư với 199 căn hộ. Công ty Gia Phú do bà Đoàn Thị Hoàn My làm Tổng giám đốc và ông Nguyễn Hùng Nghiêm (chồng bà My) làm phó Tổng giám đốc.
Từ năm 2012 – 2013, đã có hàng trăm khách hàng đóng tiền cọc, nhiều trường hợp đã đóng 100% giá trị hợp đồng để mua căn hộ tại dự án này. Thế nhưng, từ đó đến nay, chủ đầu tư không chịu giao nhà.
"Chốn an cư" đợi mãi vẫn chưa thấy, khách hàng lại phát hiện thêm chuyện động trời khi chủ đầu tư bán một căn hộ cùng lúc cho nhiều người.
Bà Phạm Thị Minh Toàn, nạn nhân đồng thời cũng là đại diện cho cư dân cho biết, bà mua căn hộ B4-9 với giá trên 1 tỷ đồng. Theo cam kết, bà sẽ được nhận nhà vào Quý 1/2013. Thế nhưng, khi đóng hơn 800 triệu đồng cho chủ đầu tư, gần đến ngày nhận nhà, bà Toàn chỉ nhận những lời hứa suông từ lãnh đạo công ty Gia Phú.
Quyết tìm hiểu nguyên nhân sự việc, bà Toàn tá hỏa khi phát hiện căn hộ mà bà mua bị chủ đầu tư bán cho 4 người khác.
Căn hộ B4-9 của bà Toàn được bán cho 4 người, trong đó có bà N.Đ.H. Hoàn cảnh của bà N.Đ.H còn bi đát hơn bà Toàn khi bà H. đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mua 6 căn hộ tại dự án Gia Phú.
"Tôi nghe giới thiệu giá căn hộ ở đây khá mềm nên gom góp của anh em trong gia đình, bạn bè để mua 6 căn đầu tư, hy vọng bán lại có lời. Ai ngờ... giờ lâm vào cảnh nợ chồng nợ", bà N.Đ.H thở dài.
Không chỉ 2 khách hàng trên, rất nhiều người mua căn hộ tại dự án Gia Phú phải "ngậm trái đắng" khi chủ đầu tư không chỉ bán 1 căn hộ cho 4 người mà còn "cắm" toàn bộ dự án vào ngân hàng.
Cụ thể, trong năm 2011-2012, ông Nghiêm đã ký hợp đồng bán căn hộ C6-5 cho bà Lê Thị Thu Huyền - thu tiền 787 triệu đồng, sau đó tiếp tục bán cho bà Nguyễn Thị Ngọc Hân - thu tiền 731 triệu đồng, và tiếp nữa là ông Đỗ Xuân Dung - thu tiền 731 triệu đồng.
Hầu hết những người mua căn hộ nơi đây đều là dân tỉnh lẻ với mong ước sớm có "chốn an cư". Để có được tiền đóng cho chủ đầu tư đúng tiến độ, họ phải tích góp, tằn tiện nhiều năm, thậm chí vay mượn của người thân, ngân hàng. Trong khi đó, kể từ ngày bị khách hàng "vạch mặt", chủ đầu tư bỏ trốn, dự án ngưng trệ, nhiều khách hàng lâm vào cảnh bi đát...
Yêu cầu "khởi tố lại"
Quá bức bách với cách hành xử "đem con bỏ chợ", suốt 4 năm qua, khách hàng trót mua phải dự án Gia Phú đã đội đơn đi khắp nơi, gõ cửa cơ quan chính quyền nhờ can thiệp.
Qua xác minh, điều tra vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty Gia Phú.
Tuy nhiên, ngày 31/8/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TPHCM bất ngờ có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và quyết định không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam.
Lý do được đưa ra là: “Tại cơ quan điều tra, ông Nghiêm khai trong số 130 căn hộ, Công ty Gia Phú đã ký hợp đồng bán cho khách hàng trước đó nhưng Nghiêm lại tiếp tục ký hợp đồng bán 31 căn hộ cho 37 người khác với số tiền 20,5 tỷ đồng, những căn hộ bán trùng là do thiếu tiền kinh doanh nên phải đi vay của chủ nợ, không có tiền nên chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán… Hiện tại còn 16 căn hộ và 3 sàn thương mại tổng trị giá khoảng 81,2 tỷ đồng chưa bán, 10 căn còn lại chưa thể hiện rõ. Do vậy không đủ yếu tố dấu hiệu cấu thành tội phạm".
Cho rằng lý do mà VKSND đưa ra không thuyết phục, ngày 6/7 vừa qua, nhiều người dân đã kéo đến VKSND TPHCM để tìm gặp lãnh đạo. Cuộc đối thoại thẳng thắng, "nảy lửa" đã xảy ra.
"Ông Nguyễn Hùng Nghiêm đã ký hợp đồng bán 1 căn hộ cho 3 khách hàng khác nhau. Tất cả các khách hàng này đều đã đóng số tiền lớn cho chủ đầu tư. Sự việc rõ ràng như vậy không lừa đảo thì gọi là gì?", bà Phạm Thị Minh Toàn đi thẳng vào vấn đề.
Đại diện nhóm cư dân cũng phản biện lại quan điểm mà Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra.
Theo bà Toàn, trong số 16 căn hộ ông Nghiêm khai với Cơ quan CSĐT và VKSND nêu là không đúng sự thật. Người dân đã bỏ công sức điều tra và có đủ chứng cứ mới là 9/16 căn hộ này đã có hợp đồng mua bán. Trong đó, có người đã ký hợp đồng mua bán với bà Đoàn Thị Hoàn My. Còn lý do ông Nghiêm nêu không có tiền trả chủ nợ nên ép phải ký bằng hợp đồng mua bán là yếu tố khác, không liên quan gì đến yếu tố khiếu kiện của hơn 150 đơn gửi công an.
Ông Lê Hữu Hùng, một khách hàng có căn hộ bị chủ đầu tư bán cho 2 người khác bày tỏ lo lắng khi hiện nay, đại diện chủ đầu tư đã "biến mất". Tại sao cơ quan chức năng không triệu tập vợ chồng ông Nghiêm để làm rõ vấn đề.
"Cơ sở nào để VKSND khẳng định 16 căn hộ và 3 sàn thương mại có giá trị 81,2 tỷ đồng? Hành vi sử dụng một căn hộ nhưng lập hợp đồng bán cho 2 người, 3 người, 4 người, 5 người có vi phạm về pháp luật hình sự hay không?", ông Hùng chất vấn.
Trả lời những thắc mắc của người dân, ông Đoàn Tạ Cửu Long, Phó Viện trưởng VKSND TPHCM cho biết, Viện làm việc dựa trên cơ sở kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra chứ không nghiêng về bên nào.
"Nếu có chứng cứ thể hiện rằng kết quả điều tra là phiến diện, chưa đầy đủ, chưa khách quan, chúng tôi sẽ khởi động lại quyết định khởi tố. Chúng tôi sẽ báo cáo với viện trưởng, tập thể lãnh đạo xem xét lại toàn bộ những chứng cứ và đưa ra quyết định trong thời gian sớm nhất", ông Long nói.
Công Quang