Một bước tăng cường hiện diện của Đan Mạch tại Việt Nam
Liên quan đến việc Tập đoàn Carlsberg của Đan Mạch có ý muốn được tăng cổ phần của mình tại Habeco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định trong buổi tiếp Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen hồi tháng 9: Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty này, sẽ niêm yết trên sàn và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Dấu ấn Đan Mạch tại Việt Nam
Năm 2016 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Đan Mạch. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen đã thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 11-12 tháng 10. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Jensen đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tưởng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhằm củng cố mối quan hệ đối tác giữa hai nước về chính trị và kinh tế.
Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên thuộc Liên Minh Châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1971. Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước liên tục có những bước phát triển tích cực và Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên toàn cầu của Chính phủ Đan Mạch. Trong 25 năm qua, Đan Mạch luôn là một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Những khoản tài trợ từ Đan Mạch đã được đầu tư hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam: xóa đói giảm nghèo, hành chính công, đổi mới thủ tục hành chính, môi trường và biến đổi khí hậu.
Hiện nay, có hơn 130 công ty Đan Mạch đang hiện diện và hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm, môi trường và năng lượng.
Tập đoàn bia hàng đầu Đan Mạch và cam kết lâu dài với Việt Nam
Carlsberg là một trong những công ty đầu tiên của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 thông qua hình thức liên doanh với một số doanh nghiệp bia nội địa. Chính sự đầu tư của Carlsberg trong suốt thời gian qua đã góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước. Trong 3 năm vừa qua, Carlsberg đã đầu tư gần 90 triệu USD vào Việt Nam. Trong đó, năm 2014, công ty đã chi 56 triệu USD nâng cấp nhà máy bia Huế; sau đó vào năm 2015, một khoản 10 triệu USD được đầu tư lắp đặt thêm một dây chuyền đóng lon mới và tháng 4 vừa qua, công ty đã đầu tư 20 triệu USD để giới thiệu sản phẩm bia Tuborg.
Carlsberg, được thành lập từ năm 1847 bởi ông J.C. Jacobsen, là một trong bốn hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới hiện có mặt tại 150 thị trường. Tập đoàn Carlsberg là tập đoàn bia duy nhất do một quỹ sở hữu – Quỹ Carlsberg, điều này tạo nên nét văn hóa độc đáo cho Carlsberg so với các đối thủ cạnh trong trong ngành.
Quỹ Carlsberg được ông J.C. Jacobsen lập ra từ năm 1876, từ đó đến nay Quỹ giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật và khoa học của Đan Mạch và thế giới. Là cổ đông quản lý việc điều hành hãng bia Carlsberg, Quỹ đóng vai trò quyết định, đảm bảo rằng hãng bia luôn hoạt động với tôn chỉ tập trung vào đổi mới, sáng tạo và chất lượng, đồng thời hỗ trợ cho những nghiên cứu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.
Đầu tháng 6 vừa qua, trong chuyến thăm tới Việt Nam, ông Cees ‘t Hart, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg chia sẻ: “Tại Carlsberg, chúng tôi không chỉ tập trung vào kinh doanh mà luôn cho rằng công ty phải đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nơi mà chúng tôi đang kinh doanh. Quỹ Carlsberg chính là nền tảng cho các giá trị của Carlsberg và là nguồn cảm hứng thúc đẩy chúng tôi đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng tại nước sở tại.”
Có thể thấy những đóng góp của Carlsberg tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa và xã hội. Trong tháng 5 và tháng 6 năm nay, mỗi người trong số 2.800 nhân viên của Việt Nam đã đóng góp 1 ngày lương cùng nhãn hàng Huda quyên tặng 10 tỷ đồng hỗ trợ cho 25 ngàn hộ ngư dân tại các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt. Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, công ty Carlsberg Việt Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất, riêng trong năm 2015 đã đóng góp 1.340 tỷ tiền thuế để phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Carlsberg luôn đồng hành và là nhà tài trợ chính cho các kỳ Festival Huế, mang nét văn hóa và nghệ thuật tới mảnh đất miền Trung Việt Nam trong suốt 18 năm qua.
Cam kết giữ và phát triển thương hiệu bia Hà Nội
Mong muốn tăng cổ phần của Carlsberg tại Habeco dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược vốn có giữa hai công ty. Carlsberg là nhà đầu tư chiến lược của Habeco và có mặt trong Hội đồng quản trị của Habeco từ năm 2008 đến nay. Theo Carlsberg, công ty này sẵn sàng hỗ trợ Habeco trong mọi lĩnh vực phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Cũng cần nói thêm rằng, theo thỏa thuận đầu tư chiến lược ký kết từ năm 2009, Carlsberg sẽ được quyền ưu tiên mua cổ phần khi Chính phủ thoái vốn tại Habeco.
Cũng theo ông Cees 't Hart, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg: “Carlsberg có cam kết mạnh mẽ đối với Việt Nam, từ thành công của thương hiệu bia Huda ở miền Trung, chúng tôi đã chứng minh bằng thực tế năng lực làm lớn mạnh các thương hiệu nội địa. Chúng tôi tin tưởng rằng Carlsberg có thể làm điều tương tự với thương hiệu bia Hà Nội”.
Được biết, từ khi mua lại Công ty Bia Huế vào năm 2011, Carlsberg đã đầu tư đáng kể vào việc làm lớn mạnh thương hiệu bia Huda, từ đó tăng thị phần tại khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ 46% lên 54%, tại Đà Nẵng từ 1% lên 20% trong suốt 4 năm qua.
Thêm lợi ích cho người tiêu dùng và Nhà nước
Nếu nắm quyền sở hữu Habeco, Carlsberg sẽ nắm giữ khoảng 30% thị phần bia Việt Nam, trở thành 1 trong 3 “người chơi” chính trên thị trường bia Việt bên cạnh Sabeco (45%) và Heineken (25%). Việc tăng cạnh tranh sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như thu ngân sách nhà nước.
Hà Anh