Giá bitcoin rơi tự do, nhà đầu tư sợ hãi bán tháo
(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa liên tục đón nhận tin tức xấu, giá bitcoin bất ngờ rơi thủng mốc 91.000 USD/BTC và đang được giao dịch quanh mốc 88.000 USD, thổi bay hơn 1 tỷ USD giá trị đầu tư.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá bitcoin bất ngờ bị bán tháo và lao dốc vào ngày 25/2. Có thời điểm, đồng tiền số rơi thủng mốc 91.000 USD/BTC, mức thấp nhất từng ghi nhận trong vòng 3 tháng qua.
Hiện bitcoin vẫn tiếp tục giảm mạnh và được giao dịch quanh mốc 88.000 USD. So với mức cao nhất lịch sử cách đây 2 tháng, giá trị bitcoin đã giảm hơn 15%.
Chỉ số đánh giá tâm lý nhà đầu tư của CoinMarketCap đã rơi xuống mức sợ hãi 29 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 9/2024. Trên thị trường phái sinh, đà điều chỉnh của toàn thị trường đã khiến 314.000 tài khoản giao dịch bị thanh lý, qua đó thổi bay hơn 1 tỷ USD giá trị đầu tư.
Nửa tháng trở lại đây, thị trường tiền mã hóa liên tục vướng vào tin xấu, gần nhất là vụ tấn công sàn giao dịch tiền mã hóa Bybit vào cuối tuần trước.
Mặt khác, những động lực sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang dần dần mờ nhạt khi Tổng thống Donald Trump chưa có thêm động thái ủng hộ cụ thể nào đối với ngành này.

Giá bitcoin bất ngờ lao dốc trong phiên giao dịch hôm nay (Ảnh: Binance).
Nguyên nhân khiến giá bitcoin suy giảm cũng có thể xuất phát từ việc Hạ viện Montana vừa bác bỏ một dự luật thành lập quỹ dự trữ bitcoin.
Theo đó, Hạ viện tiểu bang Montana đã bác bỏ Dự luật số 429 của Hạ viện, trong đó hình dung việc thành lập quỹ dự trữ bitcoin, với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống.
"Đây vẫn là tiền của người nộp thuế, chúng tôi chịu trách nhiệm về nó và chúng tôi cần phải bảo vệ nó. Những loại đầu tư này rất rủi ro", đại diện Tiểu bang Montana, chia sẻ với báo chí.
Nhận định về tình hình kinh tế Mỹ, ông Neil Dutta, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Macro Research, cảnh báo rằng rủi ro đối với thị trường lao động Mỹ đang gia tăng.
"Nếu năm 2023 là năm của những bất ngờ tích cực, thì năm 2025 có thể có nhiều bất ngờ tiêu cực hơn", ông Dutta nhận định trong báo cáo. Theo ông, rủi ro lớn nhất hiện nay là việc thắt chặt chính sách tiền tệ một cách thụ động, điều này sẽ tác động đáng kể đến giới đầu tư tài chính.
"Tôi dự đoán lãi suất dài hạn sẽ giảm, trong khi thị trường chứng khoán có thể đối mặt với đợt bán tháo do tâm lý e ngại rủi ro gia tăng. Đối với nền kinh tế, nhiều khả năng thị trường lao động sẽ suy yếu trong thời gian tới", ông bổ sung thêm.