Chủ tịch VCCI:
"Mong tương lai đệ nhất phu nhân Mỹ có thể đặt hàng từ cô thợ may ở Hội An"
(Dân trí) - Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam đang dẫn đầu trào lưu mới của nền kinh tế thế giới là phát huy vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh.
Xuất hiện tại Đại hội Đại biểu Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam lần 2 sáng 30/3, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết trung bình ở Việt Nam cứ 4 doanh nghiệp (DN) thì có 1 DN do nữ giới làm chủ. Tương ứng với trên 800.000 DN hiện nay thì có 200.000 DN nữ chủ DN. Cả nước có hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh thì có tới 60% hộ kinh doanh do phụ nữ đứng đầu, lãnh đạo.
Do đó, Việt Nam trở thành quốc gia xếp thứ 6 trong 10 nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ đứng đầu các DN, cơ sở kinh doanh. Và dẫn đầu trào lưu mới của nền kinh tế thế giới là phát huy vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh.
"Gần đây, người ta nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nói tới công nghệ, kỹ thuật, số hóa. Nhưng một động lực khác vô cùng quan trọng của nền kinh tế thế giới là phải được song hành với cuộc cách mạng phát huy nhân tố con người, phát huy yếu tố nhân văn, bao dung gắn liền tấm lòng của người mẹ, người phụ nữ" - ông Lộc nhấn mạnh.
Do đó, cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng công nghệ phải được song hành với cuộc cách mạng phát vai trò của người phụ nữ, từ đó sẽ định hướng, định hình tương lai của nền kinh tế thế giới.
Chủ tịch VCCI hoan nghênh, đánh giá cao sự nỗ lực của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Hội đồng Nữ doanh nhân Việt Nam đã luôn phối hợp, đồng hành, hoạt động hiệu quả để đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân nữ và lao động nữ trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Lộc còn ví, nếu "đại dương" là nền kinh tế Việt Nam thì muốn có đại dương phải chăm chút "từng giọt nước". Như trong cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ thì càng phải được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn trong thời buổi cạnh tranh rất khốc liệt.
"Trước đây, việc giao lưu quốc tế, hội nhập, chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn nhưng giờ đây, với DN siêu nhỏ đều làm được. Đơn cử như một anh nông dân, một chị thợ may cũng có thể tham gia thị trường thế giới. Nên tôi hy vọng, trong tương lai, phía hoàng gia Anh hay đệ nhất phu nhân ở Mỹ cũng có thể đến đặt hàng từ chỗ cô thợ may ở Hội An hay chị trồng cà phê ở Đắk Lắk" - ông Lộc nói.
Thế nên, VCCI sẽ luôn hợp tác, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ với các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN siêu nhỏ để luôn sát cánh, phát huy vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh.