“Mông má” cua thường thành cua hoàng đế

Những con cua “made in Việt Nam” to hơn cua bình thường, có kích thước trung bình chỉ bằng 2/3 thậm chí bằng một nửa so với cua hoàng đế “ngoại” đã được "mông má" để trở thành cua hoàng đế xịn.

Và nhiều đại gia đã "ăn quả đắng" khi thích thực phẩm "khủng" cho dịp tết. Họ phải chi tiền mua cua hoàng đế ngoại nhưng chỉ mua được cua "made in Viet Nam".

 

Thời gian gần đây, trên mạng đang xôn xao việc mua hải sản quý, đặc biệt là “cua hoàng đế” với mức giá cao ngất ngưởng. Cũng vì thế mà một số siêu thị đã tranh thủ nhập loại cua này về để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhưng thực tế, có phải cua hoàng đế nào cũng là “nhập ngoại”?

 

Theo tư vấn của nhiều đầu bếp ở Hà Nội thì hiện nay, rất nhiều loại cua hoàng đế “made in Việt Nam” đang được trà trộn vào thị trường cua hoàng đế nhập ngoại. Loại cua hoàng đế “dỏm” này thực chất là cua biển bình thường của Việt Nam. Nó là những con cua to hơn cua bình thường được "mông má" thành cua hoàng đế. Nếu như mực có nhiều loại, mỗi loại có sự ngon riêng, tùy theo cách chế biến thì đặc điểm của các loại cua, ghẹ là con càng to, thịt càng ngọt và chắc. Dựa trên nguyên tắc này, người bán chỉ việc kỳ công hơn để lựa chọn những con có kích thước to, nổi bật nhất để gắn mác cua hoàng đế ngoại bán cho khách hàng.

 

“Mông má” cua thường thành cua hoàng đế
Hiện nay, rất nhiều loại cua hoàng đế “made in Việt Nam” đang được trà trộn vào thị trường cua hoàng đế nhập ngoại.

 

Tuy nhiên, so với cua hoàng đế "xịn", có kích thước trung bình thì những con cua này chỉ bằng 2/3 thậm chí bằng một nửa. Với mức giá trên dưới 1 triệu đồng/con không phải quá ngất ngưởng nên nhiều "dân chơi rón rén" vẫn ồ ạt đặt mua loại thực phẩm này khiến không khí mua sắm trên các diễn đàn rôm rả.

 

Tương tự, các loại thực phẩm được xếp vào dạng "đẳng cấp" hạng trung như cá tầm, cá vược sông, cá anh vũ... cũng được trà trộn nhiều hàng không đúng nguồn gốc để bán.

 

Theo tiết lộ của đầu bếp V.C, riêng mặt hàng cá tầm Nga "xịn" có giá từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/kg nhưng cá tầm Việt Nam nuôi, chỉ có giá từ 400 - 500.000 đồng/kg. Nếu không phải là người am hiểu về cá thì không thể phân biệt được đâu là cá tầm Nga, cá tầm Việt Nam. Các đại gia đặt mua cá tầm Nga, trả tiền cá tầm Nga nhưng bị ăn cá tầm Việt Nam nuôi là chuyện "thường ngày ở huyện".

 

Anh V.C bật mí, cách nhận biết các chiêu trò này của đại lý bán thuỷ sản rất đơn giản. Cá tầm Nga, ngoài phần thịt cá được lọc còn phần xương sụn rất nhiều. Cá tầm Nga hầu hết là hàng đông lạnh, tuy nhiên do đặc điểm thịt cá có tính đàn hồi tốt nên có thể dùng tay ấn thử vào các thớ thịt thì người tiêu dùng có thể nhận biết được ngay. Với cá tầm Việt Nam, thớ thịt khi ấn sẽ mềm tay hơn còn phần xương sụn khi ăn sẽ bị bở, nếu nhúng lẩu sẽ chóng mềm, không có độ dai... Tại các nhà hàng, khách sạn, món cá tầm xào hạnh nhân dễ bị "đổi hàng" nhất.

 

Đối với món vây cá mập, ngay cả khi chế biến, ngoài cảm giác "lựt sựt" khi ăn thì điểm cộng ở giá trị dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt, vây cá mập có những thành phần bổ dưỡng cho các quý ông. Chuyện phân biệt đó, chỉ những "người trong nghề" mới hiểu, mới phân biệt được khi mua. Phần lớn, các đại gia không thể phân biệt được khi mua thực phẩm "khủng". Vì vậy, bỏ tiền thật, mua thực phẩm nhái là hoàn toàn xảy ra.

 

 Do đặc điểm sinh sống ở những vùng biển nước rất lạnh và sâu từ 200 - 400m và chỉ xuất hiện vào những ngày biển động hay bão biển nên việc săn bắt được chúng khá khó khăn và nguy hiểm. Là loại cua sống lâu năm nên cua hoàng đế có kích thước và trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với cua biển thông thường, cân nặng trung bình từ 2-3kg, những con to lên tới 7kg, càng và chân rất dài.

 

Anh Nguyễn Vũ Thanh Tùng, nghiên cứu sinh tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết: Giá loại cua này khi mua ở Nhật, hàng tươi sống, chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Do đặc điểm sinh sống lâu năm ở môi trường tự nhiên nên thịt cua chắc và ngọt hơn cua bể thông thường ở Việt Nam. Đặc trưng của đất nước Nhật rất giàu về nguồn thực phẩm từ biển nên người dân Nhật có thói quen ăn cua từ 1 - 2 lần/tháng. Việc chế biến loại cua này cũng không cầu kỳ mà đơn giản và ngon nhất là hấp hoặc nhúng lẩu, vừa giữ nguyên được mùi vị của cua lại đảm bảo nước ngọt từ thịt cua. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nó thuộc vào hàng đắt đỏ thì không thể là thực phẩm ăn hàng ngày.

 

Theo Duyên Duyên

Đất Việt