Môi trường thuận lợi nhưng sao thu hút đầu tư lại thấp?
(Dân trí) - “Đà Nẵng là thành phố nhiều năm liền đứng đầu chỉ số về cạnh tranh cấp tỉnh nhưng trong 6 tháng vừa qua, thu hút đầu tư của Đà Nẵng lại đứng cuối cùng trong số 53 địa phương”, ông Lê Hồng Lam - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) nhận xét.
Sáng 30/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình triển khai vốn ODA, công tác chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2017 và một số vấn đề liên quan.
Đà Nẵng đứng cuối cùng về thu hút đầu tư
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 10 triệu USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có 409 dự án được đăng ký với tổng số vốn là 3,673 tỷ đồng.
Có 6 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai. Tổng số vốn đầu tư 6 dự án này là khoảng 400 triệu USD, trong đó vốn ODA là 314 triệu USD và vốn đối ứng đạt 86 triệu USD.
Trong giai đoạn 5 năm (2011 - 2015), TP Đà Nẵng triển khai thực hiện 13 dự án ODA (7 dự án đầu tư, 6 dự án hỗ trợ kỹ thuật). Tổng vốn đầu tư của 13 dự án này là 700 triệu USD, trong đó vốn ODA là 540 triệu USD, vốn đối ứng là 160 triệu USD. Giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn tập trung một số dự án có ODA có quy mô lớn, góp phần quan trọng vào việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng của thành phố.
Về công tác chuẩn bị cho APEC 2017, theo ông Tuấn, Đà Nẵng đã bám sát chỉ đạo của trung ương và chủ động triển khai công tác chuẩn bị. Trên cơ sở kế hoạch chung của Ủy ban quốc gia, TP Đà Nẵng cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai công việc liên quan tại Đà Nẵng theo nhóm công việc với 5 tiểu ban: Thư ký - Nội dung, Lễ tân - Hậu cần, Cơ sở vật chất, Tuyên truyền - Văn hóa, An ninh - Y tế. Theo đó, Đà Nẵng đang dự toán kinh phí cho các hoạt động phối hợp vụ phục sự kiện.
Đà Nẵng đề nghị Bộ Ngoại giao tập trung chỉ đạo hỗ trợ Đà Nẵng tranh thủ được nguồn vốn và chuyên môn từ bên ngoài trong việc thực hiện các đột phá chiến lược của thành phố.
Theo ông Lê Hồng Lam - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ), về xúc tiến đầu tư nước ngoài, qua theo dõi thấy rất ngạc nhiên.
“Đà Nẵng là thành phố nhiều năm liền đứng đầu chỉ số về cạnh tranh cấp tỉnh nhưng trong 6 tháng vừa qua, thu hút đầu tư của Đà Nẵng lại đứng cuối cùng trong số 53 địa phương. Không những số vốn thu hút được ít, số vốn rút đi cũng nhiều hơn số vốn đầu tư vào. Do vậy mà tính ra 6 tháng đầu năm, TP Đà Nẵng thu hút vốn FDI là âm”, ông Lam nói.
Ông Lam phân tích nguyên nhân, có thể phần xúc tiến Đà Nẵng chưa thực sự quan tâm lắm. Vấn đề thứ 2 là Đà Nẵng muốn ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, không muốn thu hút dự án khác. Có những dự án lớn họ muốn đầu tư nhưng Đà Nẵng lại không có đất. Đó là những lý do mà thu hút đầu tư của Đà Nẵng không được như ý muốn.
Cần đánh giá thêm vì sao các nhà đầu tư chưa đầu tư nhiều
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, về hoạt động thu đầu tư, mặc dù môi trường Đà Nẵng rất thuận lợi, chỉ số cạnh tranh của Đà Nẵng rất tốt nhưng trong 6 tháng đầu năm, thu hút đầu tư chưa cao.
“Có các lý do chủ quan, lý do khách quan. Đà Nẵng tập trung vào thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch. Đây cũng là một hướng tốt của Đà Nẵng. Cách đây vài năm, Bộ Ngoại giao cũng có giới thiệu cho Đà Nẵng những doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này như Mỹ, Nhật; tuy nhiên cũng chưa phải được nhiều. Chúng ta cần đánh giá thêm vì sao các nhà đầu tư chưa đầu tư nhiều”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc
Liên quan đến đề xuất của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ cho Đà Nẵng trong việc thu hút đầu tư. Đây là trách nhiệm của Bộ ngoại giao.
Về việc thực hiện vốn ODA, qua đánh giá, các dự án ODA Đà Nẵng làm đúng tiến độ, đạt được tiêu chí đề ra, đạt kết quả tốt, đánh góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội của Đà Nẵng. Phó Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng với kinh nghiệm của mình, nghiên cứu làm sao để quản lý và sử dụng ODA hiệu quả.
Về công tác chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2017, Phó Thủ tướng cho biết, việc Nhà nước chọn Đà Nẵng là thành phố tổ chức APEC là chủ trương xuất phát từ nhiều yêu cầu trong đó tạo điều kiện để Đà Nẵng phát triển, vươn ra bên ngoài. Vì thế, Đà Nẵng phải hết sức tận dụng cơ hội này. Tuần lễ APEC sẽ có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đến đây.
Tuy nhiên, không phải đợi đến lúc đó tỉnh mới kêu gọi đầu tư mà phải làm từ bây giờ. Đây là cơ hội cho Đà Nẵng về thu hút đầu tư, thúc đẩy về thương mại, nhất là thu hút về du lịch, quảng bá về hình ảnh.
Khánh Hồng