Mỗi ngày, TP.HCM có 43 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

(Dân trí) - Theo báo cáo về công tác quản lý nợ thuế tháng 9/2016 của Cục Hải quan TP.HCM, chỉ riêng trong tháng 9/2016, số nợ thuế của địa phương này đã lên đến 1.614 tỷ đồng, trung bình, các doanh nghiệp (DN) tại đây nợ gần 54 tỷ đồng tiền thuế mỗi ngày.

Điều đáng lo, trong tổng số nợ thuế trên, số nợ không có khả năng thu là rất lớn khoảng 1.296 tỷ đồng (chiếm 80%) số nợ thuế, tương ứng mỗi ngày số tiền thuế mất đi hơn 43 tỷ đồng. Số nợ có khả năng thu hồi là 256 tỷ đồng (chiếm khoảng gần 16%), còn lại là số nợ thuế chờ được xóa, miễn và giảm...

Theo Cục Hải quan TP.HCM, so với thời điểm cuối tháng 8/2016, tổng số nợ thuế tính đến hết tháng 9/2016 của địa phương này đã tăng thêm 21 tỷ đồng.

TP.HCM, nơi có lực lượng doanh nghiệp đông nhất cả nước, nhưng số nợ thuế luôn tương ứng.
TP.HCM, nơi có lực lượng doanh nghiệp đông nhất cả nước, nhưng số nợ thuế luôn tương ứng.

Nguyên nhân chính dẫn đến số nợ thuế hiện nay cao là do hoạt động truy thuế, ấn định thuế theo các quyết định kiểm tra sau thông quan còn vướng mắc và chồng chéo nhau. Đặc biệt, các mặt hàng đông lạnh chiếm tỷ lệ nợ thuế lớn do truy thu, ấn định thuế có trong nhiều tờ khai nhưng không được thu đầy đủ.

Riêng Chi cục Kiểm tra sau thông quan của Cục Hải quan TP.HCM tính đến hết tháng 9/2016 số nợ thuế có khả năng thu đã tăng lên 52 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Cũng vì lý do này, Chi cục Hải quan KV1 đã phát sinh số tiền 44 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016. Ngoài ra, do còn một số DN nộp tiền nhưng hạch toán sai, dẫn tới chưa thanh khoản nợ thuế.

Trước đó, trong cuối tháng 8/2016, Cục Hải quan TP.HCM cũng có báo cáo về số nợ thuế trên địa bàn, theo đó tính đến ngày 15/8, tình hình nợ thuế phát sinh tại các Chi cục Hải quan và Chi cục Kiểm tra sau thông qua trực thuộc Cục Hải quan TP khoảng 1.587,6 tỷ đồng, trong đó số nợ khó đòi chiếm hơn 85% (khoảng 1.355,3 tỷ đồng).

Đáng nói, trong số nợ thuế khó có khả năng thu hồi hơn 1.355,3 tỷ đồng trên, có hơn 752,5 tỷ đồng là số nợ của người nộp thuế bỏ trốn, mất tích, không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh. Hơn 38 tỷ đồng là nợ thuế của người nộp thuế đã có quyết định giải thể công ty và 26 tỷ đồng là số nợ của người nộp thuế đã có quyết định phá sản DN của các cấp có thẩm quyền...

Thời gian gần đây, dù năm 2014 số nợ thuế chỉ hơn 28 tỷ đồng, nhưng hai năm trở lại đây số nợ thuế đã tăng lên 45 tỷ đồng (năm 2015) và 58,6 tỷ đồng (tính đến hết tháng 8/2016).

Theo Cục Hải quan TP.HCM, nguyên nhân chính là nợ thuế thường rơi vào đối tượng DN mới thành lập, nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng với giá trị khai báo rất thấp sau đó xin giải thể trước khi cơ quan hải quan ra quyết định kiểm tra sau thông qua. Khi ban hành quyết định ấn định thuế thì Nhà nước không thu hồi được tiền thuế nên phát sinh nợ thuế lớn.

Nguyễn Tuyền