Mỗi ngày hơn 1 tỷ USD, dòng tiền nóng liên tiếp lập kỷ lục mới

Thị trường chứng khoán hút một dòng tiền lớn và tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới cho dù áp lực chốt lời tăng mạnh trong thời gian gần đây. Mỗi phiên cả tỷ USD giá trị cổ phiếu được bán ra những sức cầu còn lớn.

Phiên hưng phấn hiếm có
 
Phiên giao dịch 20/4 chứng kiến sự hưng phấn hiếm có và cũng đã xuất hiện những rung lắc mạnh ở tốc độ cao. Trong buổi sáng, có thời điểm VN-Index bứt phá tăng hơn 26 điểm lên 1.287 điểm với lực kéo của các cổ phiếu bluechips như: Vinhomes, Hòa Phát, Masan, Vinamilk, Vietcombank, FPT, Thế Giới Di Động,...
 

Nhưng áp lực chốt lời khiến giá cổ phiếu giảm nhanh. Vào đầu giờ chiều, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm, khiến VN-Index có lúc về mức tham chiếu. Một số cổ phiếu trụ cột nhóm ngân hàng, vàng bạc và bất động sản suy yếu,... tác động mạnh tới thị trường chung. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, tài chính cũng giảm.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên, tập trung vào nhiều blue-chips như Vinhomes, Hòa Phát, VietinBank, VPBank,...

Tuy nhiên, chung cuộc thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận một phiên tăng điểm nữa và chỉ số VN-Index tăng 7,7 điểm lên đỉnh cao kỷ lục mới: 1.268,28 điểm. Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 26,7 nghìn tỷ đồng.

Trong phiên liền trước, VN-Index cũng đã tăng mạnh 22 điểm lên trên 1.260 điểm và vượt đỉnh lịch sử cũ ghi nhận trong tuần trước.

 
Mỗi ngày hơn 1 tỷ USD, dòng tiền nóng liên tiếp lập kỷ lục mới - 1
Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán.

Sở dĩ chứng khoán tăng mạnh trong hai phiên vừa qua là do dòng tiền đổ vào sau khi VN-Index vượt ngưỡng cản quan trọng 1.245 điểm. Sự hưng phấn lên cao khiến các nhà đầu tư, trong đó có khoảng nửa triệu tài khoản mới, tiếp tục đổ tiền vào kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong năm 2020 và đầu 2021.

Cổ phiếu Vinhomes (VHM) và Masan (MSN) là điểm sáng trong hai phiên thị trường lập kỷ lục. Vinhomes tăng mạnh lên đỉnh cao lịch sử: 108.600 đồng/cp sau khi Vingroup công bố thông tin sẽ phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 5 năm với quyền chọn nhận cổ phiếu VHM giá 123.000 đồng/cp (xác định bằng 120% giá đóng cửa cổ phiếu VHM vào ngày phát hành 13/4/2021).

Trong phiên trước đó, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dẫn đầu đà tăng với sắc tím đẩy giá lên 107.100 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng và bất động sản cũng góp phần đẩy thị trường đi lên trong dịp này. Tỷ phú Trần Đình Long có thêm cả tỷ USD trong thời gian ngắn, trong khi các đại gia như Lê Phước Vũ, Hồ Minh Quang,... cũng giàu lên nhanh chóng nhờ giá thép tăng chóng mặt.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa phát tăng hơn 3 lần trong vòng một năm qua, qua đó giúp túi tiền của ông Trần Đình Long tăng thêm khoảng 2 tỷ USD. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu HPG đã tăng khoảng 50% lên mức trên 58.000 đồng/cp như hiện tại. Theo Forbes, tính tới hết ngày 19/4, khối tài sản của ông Trần Đình Long đạt 2,8 tỷ USD, cao hơn so với mức 2,6 tỷ USD của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ông Hồ Hùng Anh đứng thứ 3 với 1,8 tỷ USD.

Vua thép Hòa Phát ghi nhận doanh thu 2020 tăng 41%, lên trên 91 nghìn tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13,5 nghìn tỷ, tăng 78% so với năm trước. HPG đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 18 nghìn tỷ đồng trong 2021. 

Thị trường rung lắc, áp lực chốt lời gia tăng

Theo MBS, thị trường đã khá viên mãn sau khi bứt phá mạnh mẽ và vượt qua mốc 1.260 điểm. Điểm khác biệt ở phiên này so với lần trước thị trường không thành công là sự hưởng ứng của khắp các nhóm cổ phiếu, bên cạnh đó có nhóm dẫn dắt như ngân hàng đã quay trở lại cùng sự góp mặt của nhóm Vingroup.

Về kỹ thuật, VN-Index đã có phiên break thành công khỏi các mô hình kỹ thuật để xác nhận xu hướng tăng tiếp diễn, khởi đầu cho một con sóng lớn. Với mức thanh khoản như hiện nay, thị trường hoàn toàn có thể vượt đỉnh 1.300 điểm.

Dù vậy, những diễn biến trong nửa cuối phiên 20/4 với áp lực chốt lời tăng mạnh trên các sàn và sự rơi nhanh của chứng khoán phái sinh là một tín hiệu không mấy tích cực.

 
Mỗi ngày hơn 1 tỷ USD, dòng tiền nóng liên tiếp lập kỷ lục mới - 2
Chứng khoán vọt lên đỉnh mới.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số VN-Index dự báo sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt  (VDSC) nhận định, VN-Index có cơ hội vượt vùng cao điểm 1.268 trong thời gian gần tới nhưng vẫn lưu ý áp lực chốt lời tiềm ẩn khi thị trường áp sát vùng cản 1.300 điểm.

Thị trường tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhờ dòng tiền lớn đổ vào từ cả triệu tài khoản cũ và mới với kỳ vọng vào triển vọng tích cực và sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp trụ cột trong nước như Vingroup, Masan, VietinBank, Hòa Phát,...

Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng theo xu hướng chung trên thị trường mà không có thông tin hỗ trợ thực sự. CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) vừa công bố lỗ ròng quý thứ 6 liên tiếp nhưng đây lại là một trong những cổ phiếu tăng vũ bão, lên gấp 10 lần trong hai tháng đầu năm rồi giảm 50% trong hơn một tháng qua.

Không ít doanh nghiệp đặt kế hoạch giảm trong 2021. Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HQC) đặt kế hoạch doanh thu thấp nhất trong 3 năm. Dù kinh doanh chưa ghi nhận chuyển biến đáng kể nhưng cổ phiếu HQC tăng mạnh trong những tháng gần đây, tăng gấp 2,2 lần so với hồi đầu năm.

Nhiều dự báo cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng sáng sủa. Chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn với chỉ số giá trên thu nhập (P/E) thấp nhất trong khu vực và chỉ số này sẽ còn thấp hơn nữa khi mà dự báo tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán có thể đạt mức 20% trong 2021.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,3% năm 2021 nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại.

Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự mất cân đối tài khoản, đầu tư công chậm (nhất là khi giá vật liệu xây dựng tăng cao), hiệu quả quản lý thấp... Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khối FDI và thiếu tự chủ về công nghệ cũng như nguyên liệu trong khu vực sản xuất kinh doanh.

Chính sách tiền tệ nới lỏng mang lại cú hích đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn nguy cơ bong bóng tài sản, có thể trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Một khi chính sách thay đổi, tác động tới các thị trường là rất lớn.

Trên thế giới, nhiều thị trường chứng khoán như Mỹ cũng được cho là đã hình thành bong bóng, nhưng khảo sát cho thấy các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng đi lên và không muốn bỏ qua kênh đầu tư này.