Mỗi lít xăng “cõng” 8.000 đồng thuế, phí!

Với công thức tính giá cơ sở như hiện nay, các loại thuế và phí đẩy giá xăng lên cao một cách bất hợp lý và người tiêu dùng phải chịu hầu hết các khoản này.

Theo quy định, thuế giá trị gia tăng (GTGT) được tính bằng 10% của tổng giá CIF cộng với các khoản: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn xăng dầu, phí bảo vệ môi trường.

 

Phí chồng phí

 

Với xăng dầu thì thuế suất thuế nhập khẩu đang là 18%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế GTGT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng. Trong đó, riêng thuế giá trị gia tăng được tính trên 10% của tổng giá CIF, các loại thuế, phí và lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức…

 

Mỗi lít xăng “cõng” 8.000 đồng thuế, phí!
Vì “cõng” quá nhiều loại thuế, phí nên giá xăng dầu bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý và người tiêu dùng phải chịu hầu hết các khoản này Ảnh: Tấn Thạnh

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng công thức tính giá này vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể: Thuế GTGT được tính bằng 10% của tổng giá CIF và các loại thuế, phí, chi phí, thậm chí quỹ bình ổn khiến các chi phí người dân phải chi trả tăng thêm 10% so với mức được quy định trong thực tế.

 

Áp dụng công thức tính giá cơ sở dựa trên các chi phí đầu vào như trên có thể thấy giá thành mỗi lít xăng đã bị đẩy lên khoảng 8.000 đồng (chỉ riêng các loại thuế, phí). Đơn cử như bảng tính giá cơ sở ngày 24-9 với giá CIF là 117,87 USD/thùng quy đổi ra giá CIF tính giá cơ sở là 15.449 đồng/lít thì tương ứng thuế nhập khẩu: 2.764 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt: 1.812 đồng/lít, GTGT: 2.248 đồng/lít. Như vậy, mỗi lít xăng phải gánh thêm 7.824 đồng.

 

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, tình trạng thuế chồng thuế không phải do nghị định về xăng dầu mà do cách tính thuế các mặt hàng nhập khẩu quy định tại các luật thuế nói chung là tính dồn, chứ không riêng xăng dầu.

 

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói cần xem xét lại việc áp dụng đồng thời thuế tiêu thụ đặc biệt và phí môi trường bởi thực chất thuế tiêu thụ đặc biệt đã bao gồm nội dung phí môi trường.

 

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu cũng cho rằng đã có phí môi trường thì nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu với đời sống người dân và nền kinh tế, không nên xếp vào danh mục những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như bia, rượu, thuốc lá…

 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng các nước khác cũng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu do đây là mặt hàng năng lượng không thể tái tạo, có nguy cơ cạn kiệt. Áp dụng với Việt Nam, trong bối cảnh cần bảo đảm nhiều mục tiêu chung mà ngân sách đang cạn kiệt thì nguồn thu thuế từ xăng dầu khó có thể giảm bớt.

 

Bỏ lợi nhuận định mức?

 

Theo một chuyên gia về xăng dầu, nếu trả hoạt động kinh doanh xăng dầu về đúng cơ chế thị trường, doanh nghiệp hoàn toàn tự định giá thì không cần lợi nhuận định mức. Khi đó, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sẽ được tính bằng doanh thu (giá bán lẻ nhân với số lượng bán ra) trừ đi phần thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, ở dự thảo nghị định lần này, nhà nước vẫn duy trì quyền can thiệp vào giá xăng dầu, vẫn định giá thông qua tính toán giá cơ sở nên bắt buộc phải duy trì lợi nhuận định mức trong công thức tính giá.

 

Đối với phần chi phí cố định được nhà nước quy định như chi phí định mức kinh doanh 860 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng nên gộp lại thành một khoản chi phí do doanh nghiệp tự cân đối, tự chịu trách nhiệm chứ không nên áp đặt con số cụ thể như hiện nay để giúp đưa giá xăng dầu về sát với tín hiệu thực tế thị trường hơn.

 

Quan điểm khác của TS Võ Trí Thành là có thể kiểm soát các chi phí bằng cơ chế thị trường, ví dụ như cho phép tăng chi phí định mức hằng năm tương đương mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

 

 Petrolimex vẫn chi phối thị trường

 

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Phòng Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật Cạnh tranh quy định doanh nghiệp chiếm thị phần 30% trở lên thì gọi là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường và bị cấm bán hàng hóa dưới giá, áp đặt giá mua - bán bất hợp lý, lợi dụng vị trí độc quyền. Ở mặt hàng xăng dầu hiện nay, doanh nghiệp không áp đặt giá mà nhà nước quy định giá thông qua Luật Giá.

 

Theo đó, doanh nghiệp chỉ được định giá trong phạm vi 5% nhưng vẫn phải xin phép, báo cáo cơ quan quản lý. Như vậy, giao quyền định giá cho doanh nghiệp trong phạm vi cho phép thì không vi phạm Luật Cạnh tranh. Hiện thị phần của Petrolimex đã quá lớn, chiếm trên 50% nên mặc dù không tạo sức ép về giá, không liên kết giá với doanh nghiệp khác nhưng khi tập đoàn này điều chỉnh giá trong phạm vi 5% thì lập tức doanh nghiệp khác cũng phải điều chỉnh theo. Như thế, thực tế Petrolimex đã dẫn dắt giá, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn.

 

Theo Phương Nhung

NLĐ