Doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết?

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa chặt chẽ.

Theo dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ, biên độ cho phép doanh nghiệp (DN) đầu mối được tăng - giảm giá bán lẻ xăng dầu là 5%.

 

Tự quyết giá trong phạm vi 5%

 

Theo dự thảo nghị định này, trường hợp giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành, DN đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng; trường hợp giá cơ sở giảm trên 5% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn), DN đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

 

Việc tăng - giảm giá xăng dầu vẫn chưa rõ ràng
Việc tăng - giảm giá xăng dầu vẫn chưa rõ ràng

 

Đối với điều chỉnh tăng giá xăng dầu, trường hợp giá cơ sở tăng trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành, DN được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá, đồng thời gửi quyết định điều chỉnh giá và chịu trách nhiệm mức giá được điều chỉnh với cơ quan quản lý nhà nước. Nếu giá cơ sở tăng trên 5%-8% so với giá bán lẻ hiện hành, DN gửi đăng ký giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên bộ Tài chính - Công Thương) trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc. Quá 2 ngày gửi đăng ký, trường hợp không có văn bản trả lời của cơ quan nhà nước, DN được quyền tăng giá trong biên độ cho phép là 5% cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng từ trên 5%-8%, 60% còn lại thì sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp.

 

Tuy nhiên, nếu quá thời hạn 2 ngày kể từ khi điều chỉnh giá tăng thêm 40% mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý, DN được quyền chủ động điều chỉnh tăng tương đương giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá.

 

Trường hợp giá cơ sở tăng trên 8% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Nếu sau 5 ngày làm việc, DN không nhận được văn bản điều hành của cơ quan quản lý thì có quyền chủ động điều chỉnh tăng tương đương giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá.

 

Xé lẻ thành nhiều đợt tăng giá

 

Bình luận về nội dung dự thảo nghị định xăng dầu lần này, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc thu hẹp biên độ tăng, giảm giá xăng từ 7% về 5% là điểm tiến bộ vì nó có thể thu hẹp quyền của DN trong điều kiện thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh vì vẫn còn DN độc quyền với thị phần lớn.

 

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong lại cho rằng: “Dù giảm biên độ xuống 5% thì vẫn có hiện tượng DN lợi dụng biên độ, xé lẻ các đợt tăng giá để được tăng giá nhiều nhất có thể. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc quản lý giá”. TS Phong cũng lưu ý trong khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang nắm phần lớn thị phần thì việc trao quyền tự quyết giá xăng dầu cho DN có thể dẫn tới tình trạng DN độc quyền thao túng thị trường, làm giá hoặc tạo sức ép với các DN khác.

 

Cũng liên quan đến biên độ điều chỉnh giá, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu Chính phủ phê duyệt bản dự thảo nghị định như trên thì thiếu chặt chẽ. Theo TS Phong, cần quy định rõ trường hợp DN tăng giá trong phạm vi 5% thì phải bảo đảm tăng tương xứng với mức tăng của thị trường thế giới hoặc biến động tăng của những yếu tố đầu vào để tính giá cơ sở được nhà nước quy định. Ngược lại, trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động giảm thì cũng phải có quy định bắt buộc DN giảm giá xăng dầu tương ứng trong phạm vi 5%.

 

“Nếu không bổ sung quy định trên thì có nguy cơ nghị định xăng dầu mới lần này sẽ thụt lùi hơn so với Nghị định 84, còn DN thì có quyền tăng mà không giảm giá vì không có quy định bắt buộc” - TS Phong nói.

 

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Minh Phong, cần có thêm quy định về hình thức phạt, truy thu, rút phép kinh doanh tạm thời đối với những DN không tuân thủ quy định về tăng - giảm giá xăng dầu theo thế giới.

 

Giá cơ sở luôn lớn

 

Giá cơ sở được xác định bằng giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt x tỉ giá ngoại tệ + chi phí kinh doanh định mức + quỹ bình ổn giá + lợi nhuận định mức trước thuế + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc để lợi nhuận định mức trong giá cơ sở sẽ khiến giá cơ sở luôn luôn lớn. “Muốn dần trả DN xăng dầu trở về kinh doanh thông thường theo cơ chế thị trường thì phải bỏ lợi nhuận định mức trong công thức tính giá” - ông Long đề nghị.

 

Theo Phương Nhung

NLĐ