1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Mời doanh nghiệp Việt nghe tư vấn xuất khẩu cứ như đi xin họ”

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của đại diện phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua” diễn ra sáng nay (10/7) tại Hà Nội.

Sau ý kiến của ông Trần Hữu Huỳnh Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, cần có nhiều hơn sự truyền tải, hỗ trợ các tới các doanh nghiệp trong bối cảnh EVFTA đang cận kề. Thì một đại diện Ban thư ký của phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI đã chia sẻ một thực trạng khá đáng buồn.

Mà theo đại diện của VCCI đó là: “Chúng tôi đã kêu gọi được bằng tiền của Phần Lan để tổ chức các khoá học rất thực tế, không hề chung chung, vĩ mô. Dù số tiền không lớn nhưng hơn 1 năm nay, phía Phần Lan đã hỗ trợ tập huấn cho doanh nghiệp Việt.”

“Mời doanh nghiệp Việt nghe tư vấn xuất khẩu cứ như đi xin họ” - 1

Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với EVFTA

“Chính Phần Lan cũng chia sẻ, họ không bao giờ bỏ tiền xúc tiến cho các doanh nghiệp Việt tìm hiểu về Phần Lan. Họ không xúc tiến ngược như vậy. Nhưng lại chấp nhận bỏ tiền ra để giúp các doanh nghiệp của chúng ta tìm hiểu về nhu cầu của họ”, vị này nói.

Một phần lý do được đại diện của VCCI cho biết, đó là bởi, Việt Nam là một nước nông nghiệp. Trong khi đó, Phần Lan với dân số ít, thời tiết lại rất khắc nghiệt với băng tuyết nên đa phần, các sản phẩm nông nghiệp của họ đều nhập khẩu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Theo người tổ chức khoá tập huấn này thì, phía Phần Lan thậm chí còn bỏ tiền ra mời chuyên gia của họ sang Việt Nam để giới thiệu cho doanh nghiệp Việt cách xuất khẩu hàng sang đó, nhất là nông sản.

“Nhưng tổ chức khoá học như vậy rất khó, mời doanh nghiệp Việt Nam cứ như đi xin họ. Mà chúng tôi không tổ chức riêng ở Hà Nội, mà còn làm ở các tỉnh. Chính Bộ Ngoại giao Phần Lan còn xây dựng website và tất cả quả trị, nhân lực họ đều chi tiền, chỉ mong hỗ trợ được doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được đối tác bên họ”, vị này cho biết.

“Đài thọ” khá nhiều chi phí, nhưng phía Phần Lan chỉ yêu cầu một điều khá đơn giản. Đó là trước khi xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp của ta sẽ phải điền vào một phiếu điều tra dài về các thông tin doanh nghiệp cần, có và muốn gì. Các thông tin sẽ đều được bảo mật bằng cam kết.

Phía Phần Lan yêu cầu như vậy chỉ là để chắc chắn rằng, khi họ giới thiệu doanh nghiệp Việt cho các doanh nghiệp của Phần Lan, sẽ không có tình trạng lừa đảo.

Thế nhưng, theo những người tổ chức, có rất ít doanh nghiệp quan tâm, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng mất thời gian. Doanh nghiệp của ta chỉ thích xúc tiến thương mại theo kiểu, tìm được doanh nghiệp nào mua sản phẩm thì bán luôn.

Thậm chí, riêng trường đại học Ngoại thương của Việt Nam được WTO cho tiếp cận kho dữ liệu của họ để trích thông tin về nhập khẩu, tiêu thụ hàng, đối thủ cạnh tranh tại một thị trường nào đó như Thái Lan mà không mất phí. Nhưng đi giới thiệu với doanh nghiệp các tỉnh, kể cả các sở ban ngành cũng không mấy quan tâm và không hợp tác.

Đại diện phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chúng tôi cũng triển khai đi khảo sát về nhu cầu, đã đến tận nơi, gửi thư hỏi các doanh nghiệp nhưng mỗi lần lấy thông tin cực khó. Các phiếu khảo sát thường rất mất thời gian, làm doanh nghiệp bực mình, nhưng nhờ nó mà chúng tôi hiểu doanh nghiệp muốn gì, cần gì.

Hiện nay, EVFTA đang cận kề, nếu các doanh nghiệp không chủ động cập nhật thông tin thì sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thắng thế ngay trên chính sân nhà của mình, chứ chưa nói tới xuất khẩu.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm