Mỗi container được 10% “hàng khó”, dân buôn giành giật đẩy về qua biên giới

Thế Hưng

(Dân trí) - Vận chuyển hàng hóa qua đường tiểu ngạch đang bị siết chặt, nhất là “hàng khó”. Thậm chí, mỗi tháng chỉ được phép mở cửa vài giờ đồng hồ để cho hàng qua, nếu không nhanh sẽ phải chờ tháng sau.

Đang trong cao điểm chống dịch, nên các hoạt động buôn bán giao thương qua cửa khẩu cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Theo dân buôn hàng qua cửa khẩu, hiện tại dân trong ngành đang chuyển dần sang nhập khẩu chính ngạch, có hoá đơn chứng từ đầy đủ. Còn với “hàng khó” thì bắt buộc phải đi kiểu khác.

“Hàng khó” theo giải thích của dân buôn là từ để gọi chung các loại hàng giả, hàng nhái, mỹ phẩm, thực phẩm, máy móc cũ, linh kiện điện tử, pin, ắc quy,…

Mỗi container được 10% “hàng khó”, dân buôn giành giật đẩy về qua biên giới - 1

Việc chuyển hàng tiểu ngạch qua biên giới bị siết lại, hàng chỉ về được mỗi tháng 1 lần.

Các mặt hàng này nếu không đi đường chính ngạch thì rất khó để qua biên giới. Tuy nhiên, theo anh V.D. (Thanh Xuân, Hà Nội), một dân trong nghề lâu năm, không ít cơ sở vận chuyển vẫn nhận đưa mặt hàng này qua biên giới. 

Cụ thể theo anh D, nếu dân buôn đồng ý bỏ ra chi phí khoảng 80 triệu đồng cho cơ sở vận chuyển để làm luật, thì sẽ được đi 10% hàng khó qua biên giới. Con số 10% là thể tích của container, hàng có thể nặng nhẹ bao nhiêu tuỳ ý.

“Mỗi cơ sở vận chuyển thường có vài container hàng như vậy. Trong mỗi container đó sẽ được ghép 10% hàng khó theo”, anh D nói và cho biết thêm, đó là giới hạn tối đa, nếu bên nào cố tình đưa nhiều hàng hơn thì sẽ bị phạt rất nặng.

Giá cao như vậy theo người này là bởi, mỗi tháng chỉ được mở cửa vài ngày để mặt hàng này thông quan, thậm chí chỉ mở vài tiếng đồng hồ. Ai nhanh chân thì hàng về trước, nếu không sẽ phải chờ tới tháng sau.

Giá cao, lại khó khăn, nhưng theo anh D, dân buôn vẫn tranh nhau đi hàng. Vì chỉ cần hàng hoá qua được, họ lại nâng giá lên cao hơn, lợi nhuận không bị ảnh hưởng.

Mỗi container được 10% “hàng khó”, dân buôn giành giật đẩy về qua biên giới - 2

Nhiều kho hàng khó đã đã bị cơ quan chức năng xử lý thời gian qua

Nhiều cơ sở kinh doanh liên quan hàng tiểu ngạch năm nay đã phá sản. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, việc siết chặt con đường tiểu ngạch và chú trọng phát triển chính ngạch là hướng đúng đắn và có lợi cho người tiêu dùng.

Các loại mỹ phẩm giả, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, hàng phế thải sẽ không tràn về Việt Nam gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Những người kinh doanh cũng nên tìm tới các cơ sở kinh doanh có uy tín ở nước ngoài để hợp tác và mang sản phẩm giá cả hợp lý, có nguồn gốc rõ ràng về, thay vì nhập lậu như trước đây.