1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mổ xẻ hiện trạng nền công nghiệp ô tô Việt Nam

(Dân trí) - Tiêu chuẩn công nghệ ô tô ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? sắp đến giờ G cho việc nhập khẩu xe cũ…Hàng loạt vấn đề xã hội được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo "Công nghệ ô tô và vấn đề giao thông - môi trường" do Báo Thanh niên tổ chức sáng qua (21/3) tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý: Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải), cùng một số doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam...Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận xung quanh 2 vấn đề chính là tiêu chuẩn công nghệ ô tô và vấn đề nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng tại Việt Nam.

Vì sao tiêu chuẩn công nghệ ô tô Việt Nam chỉ là Euro 2

Văn bản mới nhất quản lý nhà nước về tiêu chuẩn khí thải là quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng từ ngày 1/7/2007, (tương đương Euro 2) nhưng tiêu chuẩn này vẫn thấy xa so với các nước tiên tiến.

Như vậy với tiêu chuẩn này, cho đến năm 2007 xe ô tô trong nước sản xuất vẫn không thể xuất khẩu được. Trong khi đó, hầu hết các hãng ô tô lớn hoàn toàn có thể áp dụng được tiêu chuẩn Euro 4.

Hội thảo nóng lên ngay từ lúc khai mạc với câu hỏi của ban tổ chức, nhà báo Hoàng Hải Vân - Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Thanh niên đặt vấn đề: “Điều lạ lùng nhưng có thật là những chiếc xe do các liên doanh ô tô trong nước sản xuất hiện không thể xuất vào thị trường châu Âu, Nhật Bản hoặc Mỹ - nơi có công ty mẹ của hãng”.

Câu hỏi này được TS Quản Thắng, phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam trả lời rằng sở dĩ Toyota chưa thể xuất khẩu sản phẩm được là do cạnh tranh giá (giá ở Việt Nam quá cao) và chất lượng xe chưa bằng?!

Thực tế chớ trêu này đã làm không ít quan khách “cười nhạt” tại hội trường khi lý giải về nguyên nhân có hiện tượng trên. Lỗi không phải do các nhà sản xuất mà là do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về công nghệ ô tô. Cụ thể khi nhiều báo chí đặt câu hỏi tại sao thế giới nhiều nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải (của châu Âu) là Euro 4, tiến tới Euro 5 thì chúng ta mới chỉ áp dụng tiêu chuẩn Euro 2?

Dưới góc độ một nhà sản xuất, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Nhà máy ô tô Xuân Kiên cho rằng: "Nếu áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 thì mỗi xe sẽ đắt hơn 4.000 - 5.000 USD thì sao bán được! Cái gì cũng phải có bước đi tuần tự. Theo tôi, áp dụng Euro 4 bây giờ là vấn đề không tưởng!".

Trên phương diện quản lý, ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải: trên thế giới hiện có 3 hệ thống tiêu chuẩn khí thải an toàn với môi trường đó là của Mỹ, Nhật, và Châu Âu. Việt Nam chọn bộ tiêu chuẩn Châu Âu vì năm 1998 chúng ta tham gia APEC, mà theo quy định thì các thành viên của APEC bắt buộc phải theo bộ tiêu chuẩn này. Thái Lan, Malaysia cũng đang áp dụng Euro 2. Thậm chí, Singapore, đất nước nổi tiếng về môi trường cũng chỉ đang áp dụng Euro 2.

Còn việc Việt Nam mới chỉ đưa ra tiêu chuẩn Euro 2 là vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: công nghệ ô tô còn lạc hậu, hệ thống bảo dưỡng kiểm tra định kỳ quá sơ sài, nền kinh tế còn kém phá triển, và điều kiện nguyên liệu đầu vào cho xe sử dụng tại Việt Nam…

"Vấn đề là ở chỗ chất lượng của nhiên liệu đầu vào” ngay lập tức được khán trường rộ lên, theo các chuyên gia tại hội thảo thì lượng lưu huỳnh và kim loại trong nhiên liệu, thậm chí gần đây cả chất phụ gia thì hàm lượng độc hại trong khí thải càng cao". Ông Quản Thắng chốt lại: "Toyota Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 nhưng quan trọng nhất là chất lượng của nhiên liệu nhập vào".

Ông Phạm Trung Dũng, Công ty Ford Việt Nam cũng bày tỏ: "Ford Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc siết chặt các quy định về kiểm soát, giảm khí thải ô tô. Nhưng để làm thế, tiêu chuẩn nhiên liệu phải đi trước một bước".

Đồng tình với ông Thắng và ông Dũng về tầm quan trọng của chất lượng nhiên liệu đối với khí thải, ông Nguyễn Minh Đồng (chuyên gia về ô tô CHLB Đức) đặt vấn đề: "Vấn đề là chúng ta không sản xuất xăng mà nhập khẩu về. Tại sao chúng ta không thể nhập khẩu loại xăng tốt nhất để đáp ứng ngay cho phương tiện sử dụng công nghệ Euro 4 mà lại nhập loại xăng chất lượng thuộc loại kém nhất thế giới hiện nay, trong khi giá bán xăng tại Việt Nam không rẻ hơn Mỹ?.

Rất tiếc đại diện kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam đã được mời nhưng đã không đến tham dự buổi hội thảo.

Nhập xe cũ Việt Nam sẽ thành bãi rác thải ô tô?

Ngày 1/5 tới các doanh nghiệp sẽ ồ ạt nhập khẩu xe đã qua sử dụng về Việt Nam, vấn đề này đã tốn không ít giấy mực của báo chí, lý giải về nguyên nhân cho nhập xe cũ Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã nói thẳng: “cho nhập xe cũ để Việt Nam gia nhập WTO”.

Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề không thể không nói đến khi Việt Nam đã thực hiện chính sách bảo hộ quá cao và quá lâu với ô tô, chính sách này khiến cho giá ô tô sản xuất trong nước quá đắt nhưng không khuyến khích phát triển.

Tại hội thảo ông Đỗ Hữu Đức cho biết: Việc chỉ cho phép nhập khẩu những xe đã sử dụng dưới 5 năm đã là hàng rào kỹ thuật tương đối ổn định để ngăn chặn những xe không tốt. Từ trước đến nay chúng ta vẫn cho phép nhập xe tải cũ, không khống chế tuổi xe, bây giờ chỉ cho nhập khẩu những xe đã sử dụng dưới 5 năm đã là siết chặt quy định rồi".

Nguyễn Minh Đồng đặt vấn đề: "Xe Mỹ đã qua sử dụng 5 năm hoàn toàn không xấu hơn xe sản xuất ở trong nước. Xe ở Mỹ, Đức khi đỗ tuyệt nhiên không có mùi xăng vì nó có bộ phận thu hồi hơi xăng, ở Việt Nam ngay cả xe xịn như Mercedes cũng không có thiết bị này".

Câu hỏi đã không được một đại diện nào của các liên doanh ô tô trong nước chia sẻ…

Còn rất nhiều vấn đề chưa được đem ra trao đổi nhưng thời gian hội thảo có hạn, tuy nhiên cuộc hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến có giá trị, đòi hỏi các cơ quan chức năng xem xét. Làm sao để có một nền công nghiệp ô tô của Việt Nam thực sự, làm gì để khi nhập xe cũ vào, Việt Nam không bị trở thành 1 bãi rác, đó vẫn là trăn trở của nhiều người tham gia hội thảo.

"Vấn đề là Việt Nam chúng ta không hề có công nghệ ô tô. Công nghệ ô tô là của các hãng ô tô trên thế giới mang vào Việt Nam. Tại sao các hãng ô tô có mặt tại Việt Nam có thể làm theo tiêu chuẩn Euro 4 ở nước ngoài còn ở Việt Nam thì các hãng đó lại không làm được ?”.

(Trăn trở của nhà báo Hoàng Hải Vân đặt ra tại hội thảo rất đáng để các cơ quan quản lý suy nghĩ).

Ngọc Điệp