“Mổ xẻ” du lịch Đà Nẵng dậm chân tại chỗ

(Dân trí) - Được xem là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vì đây là trung tâm của miền Trung và cửa ngõ Bắc - Nam nhưng du lịch Đà Nẵng vẫn dậm chân tại chỗ vì thương hiệu chưa có “uy tín” trong lòng du khách.

“Đi đến đâu cũng thấy ô nhiễm”

Nếu như trước đây, người dân Đà Nẵng tự hào về biển Mỹ Khê có một không hai và đã từng được 1 tổ chức Quốc tế đánh giá là 1 trong 6 bãi tắm lý tưởng của thế giới thì hiện trước sự phát triển ồ ạt không tính toán, biển Mỹ Khê đang ô nhiễm trầm trọng.

Từ cảng biển, đến khu du lịch và nơi dân cư… môi trường đang trong tình trạng báo động đỏ. Nhiều người dân khi được hỏi đều ngao ngán nói “đi đến đâu cũng thấy ô nhiễm”. Điều này một lần nữa thể hiện sự kém trong công tác quản lý, quy hoạch và định hướng phát triển của cấp vĩ mô.

Tại một cuộc họp, khi bàn về phát triển Đà Nẵng, một vị lãnh đạo đã từng thốt lên “Đẹp thì có đẹp nhưng mà hôi”. Qua câu nói đó, có thể hình dung ra được môi trường nơi đây đang nguy cấp thực sự.

Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn khi được hỏi: lượng khách vào Đà Nẵng không tăng như các địa phương khác có phải do chất lượng và giá thành? thì phần đa đều nhận định: Du khách họ cũng cảm nhận được nơi nào nên đến chứ giá cả thì e là không phải vì đi du lịch không mấy ai tính đến chuyện tiền nong.

Một điều dễ nhận thấy, so với năm 2004, số phòng lưu trú tại Đà Nẵng tăng hơn 1.300 phòng, nhưng số phòng 3 sao mới chỉ tăng 4,3%, các luồng khách tăng trưởng cũng không đáng kể. Lượng khách 6 tháng đầu năm 2008 mới đạt khoảng 650.000 (du khách quốc tế chiếm 20%).

Vẫn loanh quanh tìm thương hiệu

Trong một cuộc tiếp xúc với báo giới gần đây tại Đà Nẵng, ông Duncan Maclean, Tổng Giám đốc điều hành Khu nghỉ mát Furama Resorst trăn trở: “Biển Đà Nẵng được xếp vào loại đẹp, cung cách phục vụ không thua kém bất cứ nơi nào trong khu vực Đông Nam Á nhưng du lịch nơi đây vẫn chưa thu hút được du khách nội địa và có thu nhập thấp”.

Vấn đề ông Duncan Maclean đưa ra, không có nghĩa là Furama Resorst không có chương trình thu hút khách nội địa giá hợp lý mà sâu xa hơn là du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu một cái gì ở điểm nhấn phát triển du lịch, dịch vụ. Chẳng hạn như: Cách tiếp cận, quảng bá thẳng cảnh, con người và văn hoá địa phương một cách đặc sắc, dễ gần hơn.

Báo cáo ngày 27/8 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng về tình hình phát triển du lịch trong 5 năm qua cũng phải thừa nhận du lịch của TP này còn thiếu các sự kiện, chương trình lớn để quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Đà Nẵng tới khách quốc tế. Cũng theo báo cáo trên, kinh phí, ý tưởng để phát triển ngành du lịch đang còn là một câu hỏi?

Theo các doanh nghiệp trong ngành du lịch nơi đây thì trên lý thuyết Đà Nẵng có thể phát triển được nhiều điểm, nhiều tour du lịch sinh thái, nghỉ mát và an dưỡng… đồng bộ. Nhưng tất cả các điểm trên còn thiếu sự liên kết với nhau, kể cả ở khâu quy hoạch vì thế mỗi khi du khách rời khỏi Đà Nẵng là “một đi không trở lại”.

Ngoài ra nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng đang còn “nghỉ ngơi” chưa rõ ngày khởi động lại như: Khu du lịch DBC, Dự án Nobel và Khu du lịch dịch vụ đa năng An Hải Tây… cũng khiến cho người làm du lịch nơi đây mãi luẩn quẩn đi tìm thương hiệu.

Minh San