Mở van tín dụng bất động sản

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm suốt những tháng đầu năm được xem là lý do để các ngân hàng chạy đua mở van tín dụng cho vay bất động sản với lãi suất hấp dẫn.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại cuộc họp báo tháng 4 vừa qua, dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay bất động sản hiện chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ trong hệ thống ngân hàng có đảm bảo bằng bất động sản rất lớn, khoảng 60%. Đây chính là lý do cần từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng bất động sản, nhất là khi nhu cầu nhà ở của người dân lớn và mặt bằng giá nhà đã đến mức hợp lý để người dân mua vào.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng, mở tín dụng sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. “Nếu lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ một phần thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ như: xi măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng”, Thống đốc nói.

Cùng với quyết định của NHNN, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm suốt những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã công bố chương trình cho vay bất động sản với lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt kể từ ngày 28/5, trần lãi suất huy động vốn chính thức giảm thêm 1%, xuống còn 11%/năm và các mức lãi suất chủ chốt cũng đồng loạt giảm 1%, dòng vốn cho kênh đầu tư bất động sản ngày càng được khơi thông.

Mở van tín dụng bất động sản
Ngân hàng mở "hầu bao" cho bất động sản với lãi suất hấp dẫn.

Điển hình như tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), khách hàng có nhu cầu vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà chỉ phải trả lãi suất 14,2%/năm trong 3 tháng đầu của khoản vay. Đây được xem một trong những mức lãi suất tốt nhất trên thị trường hiện nay của mảng tín dụng bất động sản.

Theo ông Richard Harris, Giám Đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB, quy mô của gói vay ưu đãi bất động sản của VIB là 1.000 tỷ đồng với hạn mức cho vay tối đa lên tới 90% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay tối đa là 180 tháng. VIB dự kiến triển khai gói vay ưu đãi này đến hết ngày 31/7/2012 hoặc đến khi giải ngân hết.

Cùng với VIB, các ngân hàng như: BIDV, Vietcombank, SEABank, ACB, ANZ… cũng đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà, vay tiêu dùng. Mức lãi suất mà các ngân hàng này công bố khá cạnh tranh, dao động từ 14% - 17%/năm.

Với những khởi động của các ngân hàng về chương trình cho vay lĩnh vực bất động sản, thị trường đang chờ đợi một sự khởi sắc trở lại của kênh đầu tư này. Bởi trong thời gian qua, lãi suất cho vay bất động sản được đẩy lên rất cao, thậm chí ngân hàng còn “nói không” với cho vay bất động sản.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc nới lỏng tín dụng từ phía các ngân hàng sẽ tác động rất tốt đến thị trường bất động sản, trước hết là tác động tâm lý. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, việc các ngân hàng thương mại có cơ chế được phép cơ cấu lại nợ cũ, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi sức ép bán tháo, bán rẻ. Qua đó, các nhà thầu có thể vay tiền, tiến độ thi công sẽ tốt hơn.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, với việc các ngân hàng nới lỏng tín dụng đối với bất động sản, công bố chương trình cho vay, 50% dự án có thể tiếp cận được nguồn vốn. Và khi niềm tin trở lại với thị trường thì khả năng huy động vốn từ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào kênh đầu tư này cũng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, để thị trường bất động sản “tan băng” trở về thời kỳ sôi động trước đây, cùng với nguồn vốn “giá rẻ” đã được các ngân hàng chào mời, thì vấn đề cơ bản nhất của thị trường là phải là tăng tính thanh khoản của các sản phẩm nhà ở.

PV