"Mô hình bán hàng đa cấp tại Việt Nam đang biến tướng"

(Dân trí) - “Tôi cho rằng mô hình kinh doanh đa cấp hiện nay ở Việt Nam trong nhiều trường hợp đang bị biến tướng và bị lợi dụng. Vì vậy cần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này”, Tổng thư kí Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN nói.

Thời gian gần đây, dư luận đang “nóng” trước thông tin phản ánh về nhiều hãng đa cấp tại Việt Nam đang có những mặt tiêu cực. Đặc biệt, nhiều người quan tâm đến câu chuyện của một hãng đa cấp lớn hoạt động trong nước bị tố bán sản phẩm thực phẩm chức năng gây hại cho sức khoẻ.

Điều mấu chốt trong câu chuyện là người tiêu dùng bức xúc vì bị người bán hàng quảng cáo phóng đại công năng của thực phẩm chức năng như loại thần dược chữa bách bệnh. Để có cái nhìn thấu đáo về sự việc này, phóng viên báo điện từ Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng VN.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Bộ trưởng Thăng “dọa” cách chức Phó Tổng Giám đốc BQL Dự án 2

* Trung Quốc tập trận ở Hoa Đông, làm gián đoạn hàng không thương mại

* "Siêu sâu" Trung Quốc có thực sự là hiểm họa?

* Formosa muốn thiết lập đặc khu gang thép Vũng Áng

Thưa ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông có đánh giá như thế nào về sự việc người tiêu dùng “tố” thực phẩm chức năng của hãng đa cấp gây hại cho sức khoẻ trong thời gian vừa qua ?

Luật An toàn thực phẩm đã quy định việc ghi nhãn đối với thực phẩm chức năng không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa là một trong các quyền của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhãn hàng hóa hoặc quảng cáo là các kênh thông tin mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Vì vậy việc quảng cáo phóng đại công dụng của thực phẩm chức năng như một loại thần dược chữa bách bệnh là trái với quy định của Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong trường hợp sản phẩm thực phẩm chức năng đó gây hại cho sức khỏe thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên cần có nghiên cứu, đánh giá, kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Lấy ví dụ một mô hình đa cấp lớn ở Việt Nam là Amway, Công ty này hiện có hơn 300.000 nhà phân phối (tức người bán hàng) tham gia vào mạng lưới. Đặc biệt, số người này đều không có kiến thức về dinh dưỡng và y tế. Theo ý kiến của ông, cần một sự huấn luyện và kiểm tra chặt chẽ đối với những người bán sản phẩm thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng hay không ?

Mô hình bán hàng đa cấp trong nhiều trường hợp đã bị biến tướng, người kinh doanh có lợi nhưng người tiêu dùng thì bị thiệt. Chi phí qua nhiều tầng nấc trung gian cuối cùng đều tính vào giá bán sản phẩm, là gánh nặng đổ lên đầu người tiêu dùng.

Vấn đề còn ở chỗ, đối với nhà phân phối hay người bán hàng, thu nhập tỷ lệ thuận với doanh số bán ra. Vì vậy việc nói quá công dụng của sản phẩm nhằm bán được càng nhiều càng tốt là điều dễ xảy ra. Thậm chí dùng ảnh hưởng mối quan hệ để bán hàng. Với chính sách như vậy, khó có thể kiểm soát hàng trăm ngàn nhà phân phối của mạng lưới bán hàng. Nếu người bán hàng không có kiến thức mà đi giới thiệu thực phẩm chức năng lại nói quá công dụng của nó như một loại thuốc thì rõ ràng đã cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm cho người tiêu dùng.

Tôi cho rằng việc huấn luyện, kiểm tra người bán hàng đa cấp là cần thiết. Tôi cũng đã có dịp chứng kiến một buổi huấn luyện bán hàng đa cấp của một công ty. Ở đấy chủ yếu họ huấn luyện cách tiếp thị để bán hàng.

Theo đánh giá của hầu hết thị trường Việt Nam, người tiêu dùng không mấy mặn mà với việc mua sản phẩm của các Công ty Đa Cấp, một số khá cực đoan còn tẩy chay với đa cấp. Ông có thể đưa ra phân tích giải thích tâm lý này của người tiêu dùng Việt?

Tôi cho rằng việc người tiêu dùng không mấy mặn mà với việc mua sản phẩm của các công ty đa cấp vì họ đã phải trả giá quá đắt cho một sản phẩm mà chất lượng không như quảng cáo.

Đây là hậu quả tất yếu đối với những công ty nào kinh doanh không lành mạnh, lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để hưởng lợi một cách không chính đáng. Là một bệnh nhân hoặc người thân bị mắc bệnh, nhất là những bệnh hiểm nghèo, khi đã ở vào tình thế “có bệnh thì vái tứ phương”, nghe quảng cáo tác dụng của sản phẩm như một loại thần dược thì dễ dàng tìm mua. Nhưng từ bài học của những người “tiền mất tật mang” thì việc nhiều người thiếu mặn mà cũng là điều dễ hiểu.

Với cương vị là Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng VN, ông có lời khuyên nào dành cho những người sử dụng thực phẩm chức năng?

Không ai phủ nhận tác dụng của thực phẩm chức năng trong việc hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy không riêng gì Việt Nam, trong khoảng trên 20 năm trở lại đây, trên thế giới, đặc biệt Mỹ, EU, Nhật, thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ.

Còn ở Việt Nam tuy chậm hơn thế giới nhưng trong khoảng hơn 10 năm gần đây thực phẩm chức năng đã có lúc bùng nổ. Việc đưa ra lời khuyên cho những người sử dụng thực phẩm chức năng xin dành cho Bác sỹ là người có chuyên môn.
Tuy nhiên, từ những vụ khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến Hội, tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên không nên quá lạm dụng thực phẩm chức năng. Khi cần sử dụng nên có sự tư vấn của Bác sỹ.

Ông có nhận xét, đánh giá gì về mô hình kinh doanh đa cấp nói chung đang tồn tại ở Việt Nam?

Tôi cho rằng mô hình kinh doanh đa cấp hiện nay ở Việt Nam trong nhiều trường hợp đang bị biến tướng và bị lợi dụng. Vì vậy cần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này.

Xin cám ơn ông !

Lê Tú (Thực hiện)

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”