Mixue kinh doanh ra sao?
(Dân trí) - Mixue tại Việt Nam giảm giá bán sản phẩm 25% nhằm tăng lượng khách nhưng chỉ hạ 10% giá nguyên liệu khiến không ít chủ cửa hàng nhượng quyền bức xúc. Mixue đang kinh doanh ra sao?
Doanh thu của Mixue đã tăng từ 4,68 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.592 tỷ đồng) vào năm 2020 lên 10,35 tỷ nhân dân tệ (khoảng 34.482 tỷ đồng) vào năm 2021. Trong đó, bán nguyên liệu cho cửa hàng nhượng quyền là một trong những nguồn doanh thu chính của Mixue, chiếm tới 70% vào năm 2021.
Với mô hình bán hàng nhượng quyền, công ty sẽ bán nguyên liệu, vật liệu đóng gói, thiết bị, công cụ, phương tiện và các hàng hóa khác cho các cửa hàng nhượng quyền, đồng thời thu phí nhượng quyền, phí quản lý, phí đào tạo,... từ các cửa hàng này.
Tính đến tháng 3/2022, Mixue có tổng cộng 21.582 cửa hàng, đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng cửa hàng tính theo các chuỗi nhà hàng ăn uống, theo báo cáo của Momentum.
Để cung cấp cho số lượng cửa hàng rất lớn này, Mixue đi theo mô hình tự sản xuất, để tối ưu hóa lợi nhuận.
Cụ thể, ngoài thương hiệu chuỗi trà sữa Mixue, công ty đã thiết lập một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh bao gồm trung tâm nghiên cứu và phát triển, nhà máy trung tâm, trung tâm kho bãi và hậu cần để tự cung ứng và vận chuyển sản phẩm.
Theo Bloomberg, Mixue Bingcheng - chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu lớn nhất Trung Quốc - cùng 5 hãng trà sữa của Trung Quốc khác đang cân nhắc các đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong và Mỹ.
Lợi thế cạnh tranh của Mixue là giá rẻ. Với mức giá cuối cùng cho một ly trà sữa thấp hơn nhiều so với các đối thủ chính trên thị trường, họ thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm.
Tại Việt Nam, giữa tháng 4, Mixue cũng đã thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng chưa đầy 5 năm gia nhập, vượt qua các thương hiệu lớn như Highland Coffee, Phúc Long, The Coffee House...