Mít lạ ở miền Tây, từ khách Nga cho tới Dubai đều tranh nhau mua
Mít ruột đỏ được các nhà vườn ở miền Tây trồng đang cực kỳ hút khách dù chúng có giá cao ngất ngưởng. Loại mít lạ này liên tục "cháy hàng", khách ở Nga, Dubai và Canada còn tranh nhau mua.
Cũng giống như các loại cây ăn quả khác, ở Việt Nam, mít là loại cây trồng khá quen thuộc. Chúng không chỉ là cây ăn quả được trồng trong vườn nhà mà còn là cây hàng hóa, được trồng chuyên canh ở nhiều địa phương. Theo đó, ở nước ta có hàng chục loại mít khác nhau như: Mít thái, mít nghệ, mít Tố Nữ, mít mật hay mít dai,...
Loại cây trồng này cho quả quanh năm, nhưng rộ nhất vào mùa hè. Thế nên, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ hay trên phố, người ta thường thấy mít được bày bán tràn lan, giá cả tùy thuộc vào từng loại và từng thời điểm. Như hiện nay, mít Thái được các nhà vườn bán với giá từ 9.000-18.000 đồng/kg tùy loại, mít quê ngoài chợ được bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Theo nhà vườn và người bán, đây là mức giá khá rẻ.
Song, tại miền Tây, một nhà vườn trồng loại mít siêu lạ, ruột đỏ au bán với giá cao ngất ngưởng, song vẫn cháy hàng.
Anh Mạnh Khương - đầu mối liên kết với nhà vườn trồng loại mít ruột đỏ - cho hay anh đang bán sỉ mít này với giá 90.000 đồng/kg song vẫn không đủ hàng cung cấp cho các đầu mối. Mít lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng.
Đây là loại mít còn khá lạ trên thị trường, chưa được trồng phổ biến. Ở miền Tây, nhà vườn đầu tiên và cũng là vườn trồng mít ruột đỏ nổi tiếng nhất thuộc sở hữu của lão nông Hai Trắng (Nguyễn Minh Trắng), ở xã Vị Đông (Vị Thủy, Hậu Giang).
Loại mít này được ông tình cờ phát hiện ra trong một lần đi hội chợ tại Cần Thơ năm 2003. Lúc đó, ông được người bán giới thiệu đây là giống mít siêu sớm, cây nhanh cho quả. Đặc biệt, mít chín ruột có màu đỏ như màu gạch nung, cơm dày, mùi vị ngọt giòn, thơm dịu.
Lần đó, ông Hai Trắng liền mua 50 gốc mít về trồng thử quanh nhà. Cây mít ruột đỏ lớn nhanh không sâu bệnh, chẳng bao lâu bắt đầu ra trái. Nhưng chỉ duy nhất có một cây ra hơn chục trái, mỗi trái cân nặng 15-17kg, khi chín cả múi và xơ mít đều có màu đỏ sậm, đúng như lời ông bán cây giống giới thiệu. 49 cây còn lại, cũng ra trái bình thường, nhưng khi chín ruột, xơ mít lại là màu vàng, giống như những giống mít thông thường khác.
Vì thế, ông giữ lại duy nhất cây mít ruột đỏ để nhân giống, những cây còn lại đều chặt bỏ.
Từ cây mít ruột đỏ mua trong lần đi hội chợ ở Cần Thơ, đến nay ông đã nhân giống và trồng được cả một vườn mít rộng tới 3ha. Hai nhà vườn khác mua giống mít đỏ này của ông trồng giờ cũng bắt đầu cho thu hoạch.
"Cây mít này giờ vẫn còn trong sân nhà. Đường kính gốc khoảng 40cm. Nhiều người tới hỏi mua cây về, thậm chí có người trả tới nửa tỷ đồng để sở hữu chúng nhưng tôi không bán, giữ lại để nhân giống", ông Hai Trắng chia sẻ.
Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiêu thụ trái cây. Khi ấy anh liên hệ với nhà vườn để bao tiêu toàn bộ sản phẩm mít của ông Hai Trắng và hai nhà vườn kia. Từ đó đến nay, mít thu hoạch đến đâu được anh mua hết đến đó, anh chia sẻ thêm.
Thời điểm đầu mới liên kết, mít ruột đỏ được anh xuất bán sỉ chủ yếu cho các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.HCM, sau mở rộng ra Đà Nẵng, Hà Nội. Cách đây 3 tháng, khách ở các nước Nga, Canada, thậm chí là cả Dubai cũng liên hệ đặt mua thức quả đặc sản này.
Theo anh, mít ruột đỏ quả khá to, trọng lượng trung bình đạt trên 10 kg/quả. Mít thường được nhà vườn hái khi đã già quả. Do đó, sau khi hái 3-4 ngày mít sẽ chín thơm và đợi thêm 2 ngày nữa mới nên bổ mít, bởi khi đó là thời điểm mít thơm ngon nhất, ăn ngọt, ruột đỏ đúng chuẩn.
"Mít này không có nhiều. Đặc biệt, lượng mít thu được mỗi tuần còn phụ thuộc vào nhà vườn. Có tuần thu được hàng tấn, song cũng có tuần chỉ được khoảng trên 300kg. Thế nên, mít luôn trong tình trạng cháy hàng", anh nói.
Những tuần gom mua được nhiều, anh sẽ chia đều để xuất cho các khách trong và ngoài nước.
Còn những tuần thu được ít, anh ưu tiên cho các khách nước ngoài. Bởi, họ thường đặt hàng cố định, lịch gửi hàng tại các hãng hàng không cũng định sẵn nên ưu tiên hàng cho họ, tránh tổn thất phí vận chuyển. Tùy yêu cầu của khách nước ngoài mà anh sẽ bán mít nguyên trái hay bóc sẵn, cấp đông để chuyển cho họ.
Song, anh Khương chia sẻ, số lượng khách nước ngoài mua được mít ruột đỏ không nhiều. Anh phải từ chối bớt vì lượng mít thu mua được từ các nhà vườn không đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Còn nếu có hàng, lượng mít phải lên tới cả chục tấn mới đủ đổ cho các mối sỉ cả trong nước và xuất khẩu.
Tại thị trường Hà Nội, mít ruột đỏ nguyên múi được bán với giá lên tới 250.000 đồng/kg. Dù có giá đắt gấp 4 lần giá mít Thái nguyên múi, nhưng mít ruột đỏ vẫn cháy hàng.
Chị Đoàn Hải Yến, chủ cửa hàng trái cây sạch ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mỗi tuần chị chỉ nhập được một chuyến mít ruột đỏ của nhà vườn ở miền Tây. Số lượng cũng tùy từng đợt. Vào thời điểm rộ, hàng về cả tạ, nhưng khi hiếm thì chỉ được vài chục cân mỗi tuần. Đa phần mít về chỉ đủ trả hàng cho khách đặt trước, hiếm có đợt mít về nhiều mới có bán sẵn tại cửa hàng.