MISA nhận giải Vàng tại "Make in Vietnam"
(Dân trí) - Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 (VFTE 2022), MISA giành 3 giải tại Lễ trao giải thưởng "Make in Vietnam" cho các sản phẩm MISA AMIS, MISA FinGov, MISA EMIS.
"Make in Vietnam" là giải thưởng hàng đầu của ngành công nghệ thông tin Việt Nam hướng tới mục tiêu tôn vinh tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam góp phần thúc đẩy sự phát triển của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Vượt qua hơn 200 hồ sơ tham dự, MISA được vinh danh 3 giải thưởng tại "Make in Vietnam" 2022 tương ứng với 3 hạng mục: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Ở hạng mục giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số, nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov giành giải Vàng. MISA FinGov là hệ sinh thái hợp nhất các nghiệp vụ quản trị tài chính trên cùng một hệ thống, tiết kiệm tới 70% thời gian lập dự toán và quản lý chi tiêu ngân sách.
Không chỉ đáp ứng tất cả các nghiệp vụ khép kín của chu trình ngân sách, MISA FinGov còn kết nối với các dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, các phần mềm quản lý hoạt động chuyên ngành giúp đơn vị tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả làm việc. Đồng thời, nền tảng MISA FinGov góp phần giúp các bộ ngành, địa phương chuyển đổi số ngành tài chính, trở thành giải pháp toàn diện góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính thống nhất.
MISA FinGov là nền tảng tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành tài chính, đang được sử dụng tại hơn 55.000 đơn vị hành chính sự nghiệp. Theo đại diện MISA, MISA FinGov là sự khẳng định về việc làm chủ sản phẩm công nghệ Việt do người Việt thiết kế và sáng tạo, đúng theo tinh thần "Make in Vietnam".
Ở hạng mục giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc cho Kinh tế số, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS đạt giải Bạc khi giải quyết những bài toán cho doanh nghiệp. Đây là một giải pháp đáp ứng các tiêu chí trong bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI) do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, giúp nhiều doanh nghiệp mọi quy mô nâng cao mức độ chuyển đối số.
MISA AMIS tích hợp các nghiệp vụ gồm 4 nhóm chính là tài chính - kế toán, marketing - bán hàng, quản trị nhân sự và quản lý điều hành. Được thiết kế theo mô hình hội tụ dữ liệu, nền tảng này được phát triển thành trung tâm kết nối mở rộng hệ sinh thái cho doanh nghiệp, dữ liệu được tập trung tại một hệ thống, phục vụ phân tích và báo cáo các chỉ số tổng thể một cách trực quan.
Tính đến tháng 11/2022, nền tảng MISA AMIS đã có hơn 42.000 doanh nghiệp đang triển khai và dự kiến đạt hơn 45.000 doanh nghiệp đến hết năm 2022. MISA AMIS cũng trở thành nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông tin lựa chọn là giải pháp trong chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEdx).
Ở hạng mục giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số, nền tảng giáo dục MISA EMIS cũng được vinh danh top 10 với những đóng góp cho xã hội, đáp ứng quy định kỹ thuật để kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. MISA EMIS là hệ sinh thái hợp nhất mọi nghiệp vụ quản lý trên một hệ thống tập trung với tính năng kết nối mở, linh hoạt với các đối tác thứ ba như các ứng dụng học trực tuyến.
Nền tảng cũng tự động lập các báo cáo tổng hợp hồ sơ và đánh giá kết quả học tập định kỳ của học sinh và thông báo kết quả học tập cho phụ huynh qua phần mềm SISAP - kết nối giữa nhà trường với phụ huynh. MISA AMIS tự động hóa quy trình tuyển sinh, số hóa nghiệp vụ giảng dạy, điện tử hóa hồ sơ thông tin để đảm bảo công tác quản lý thông suốt.
Tính năng thanh toán học phí không dùng tiền mặt đã hỗ trợ tối ưu nghiệp vụ cho cán bộ kế toán và giáo viên của nhà trường, giảm 80% thời gian so với cách nộp học phí truyền thống. Nền tảng hiện đang được triển khai tại hơn 22.000 trường học, gần 250 phòng giáo dục và gần 50 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước.
Trong khuôn khổ sự kiện, gian hàng của MISA năm nay tại chương trình giới thiệu những giải pháp chuyển đổi số theo 3 cột trụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thu hút nhiều khách hàng đến trải nghiệm. Các giải pháp này nhằm xây dựng các cơ sở dữ liệu tiến tới xây dựng chính quyền số, hỗ trợ các doanh nghiệp và hỗ trợ người dân được tiếp cận, trải nghiệm nền tảng số theo mục tiêu chương trình Chuyển đổi số quốc gia.