Miền Bắc vẫn đem lại hiệu quả cho điện mặt trời áp mái
(Dân trí) - Điện mặt trời áp mái hiện đang là thị trường được dự báo sẽ nở rộ hơn trong các năm tiếp theo.
Từ các yếu tố tự nhiên đến kinh tế, quang điện và đặc biệt là mô hình điện mặt trời áp mái rất phù hợp để phát triển tại Việt Nam, kể cả ở những vùng ít nắng.
Miền Bắc có dùng được điện mặt trời áp mái không?
Điện mặt trời áp mái không còn là khái niệm xa lạ đối với các hộ gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam nơi có lượng nắng nhiều nên rất thích hợp để đầu tư. Còn ở miền Bắc thời tiết biến động theo mùa nên rất khó cho người tiêu dùng đang tìm hiểu về điện mặt trời áp mái, họ cần câu trả lời cho hàng loạt các nghi ngại về nắng mưa, cho nỗi trăn trở mùa thu mùa đông nhiều mây ít nắng thì hiệu quả thu được chắc chẳng đến đâu?
Tuy nhiên, bản chất của điện mặt trời là sự chuyển hóa bức xạ mặt trời thành điện năng, chỉ cần có ánh sáng thì sẽ có bức xạ, vì vậy trong những ngày nhiều mây ít nắng thì bức xạ mặt trời vẫn xuyên thấu thẳng xuống những tấm pin mặt trời áp mái tạo ra điện. Đây là hiểu lầm thường thấy của những hộ đang tìm hiểu về điện mặt trời, từ đó vô tình tạo ra những mối lo không đáng có.
Hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình miền Bắc
Đơn cử như hộ gia đình của anh Trần T. tại Thái Nguyên, do lo ngại lỗ vốn nên anh đã chần chừ suốt một năm và tham khảo nhiều sản phẩm trước khi mạnh tay xuống tiền lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái hệ 2kWp từ FreeSolar Sơn Hà. “Về cơ bản hệ từ 1-3kWp vẫn đáp ứng được vì mùa đông vẫn có trời trong nắng hanh nhẹ và những ngày này gia đình cũng không sử dụng nhiều điện như mùa hè, quan trọng là hệ thống phải đảm bảo chất lượng không hỏng hóc do thời tiết khác biệt.”
Sau sáu tháng lắp đặt, anh đã nhận được lợi ích đáng kể từ nguồn năng lượng mới, gánh nặng tiền điện hàng tháng hơn một triệu được EVN bù trừ chỉ còn 400 – 500.000 đồng, nguồn tài chính dư ra lại được anh gom góp đầu tư vào lĩnh vực khác. Anh còn tận dụng được khoảng không dưới những tấm pin mặt trời để trồng rau củ quả sạch, đến nay đã tự cung tự cấp được các loại rau muống, rau dền, cà rốt,… còn tấm pin như mái che nắng che gió cho khu vườn của mình.
Từ khi thấy hiệu quả kinh tế từ những tấm pin mặt trời trên mái nhà anh T., các hộ khác trong xóm bắt đầu rộn ràng tìm hiểu về quang điện, từ đó cả xóm anh được trêu vui là xóm văn hóa xanh, anh T. cũng bỗng dưng trở thành “cố vấn năng lượng” cho mọi người.
Không có sự chênh lệch đáng kể lượng nắng ở các miền
Trên thực tế, số liệu cũng cho thấy không có sự chênh lệch đáng kể về lượng nắng và mức bức xạ mặt trời ở hai miền vì Việt Nam là quốc gia nằm gần đường xích đạo, số giờ nắng trung bình cả năm thuộc nhóm cao nhất thế giới, cụ thể ở miền Nam là từ 2000-2500 giờ/năm và ở miền Bắc là từ 1800-2100 giờ/năm. Ngoài ra vào những ngày ít nắng, ước tính hiệu suất của những tấm pin mặt trời ở miền Bắc sẽ chạm mức 80% so với những tấm được lắp đặt ở các tỉnh Nam Bộ, vì vậy các hộ lắp đặt ở miền Bắc vẫn có thể yên tâm về lượng điện được thu về.
Hiện nay những tấm pin năng lượng mặt trời đã không còn hiếm gặp tại nhiều hộ gia đình ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên,… và xu hướng này được dự báo sẽ còn lan rộng đến khắp khu vực phía Bắc trong nhiều năm tới.