Metfone ghi dấu ấn chuyển đổi số tại Campuchia
(Dân trí) - Trong những năm tới, Metfone dự định chuyển dịch cung cấp dịch vụ ra các lĩnh vực mới như thương mại điện tử và logistic, giao thông thông minh, y tế, giáo dục thông minh, lu lịch số, game, e-sport, xổ số điện tử, truyền hình trả tiền (OTT TV)...
Metfone - thương hiệu của Tập đoàn Viettel - có năm kinh doanh thứ 13 năm ở đất nước chùa Tháp, trở thành thương hiệu số một trong lĩnh vực viễn thông với hơn 9 triệu khách hàng, chiếm 43% thị phần viễn thông.
Người dân Campuchia đánh giá Metfone là một doanh nghiệp thân thiện, lắng nghe, và thấu hiểu khách hàng. Nhưng không chỉ vậy, những năm qua, với sự chuyển động quyết liệt trong lĩnh vực số, Metfone đang đóng vai trò tiên phong chuyển đổi số tại Campuchia.
Từ nội bộ, công ty đã xây dựng và triển khai toàn diện hệ sinh thái số với các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng. Hiện nay, nhân viên của Mefone có thể bán hàng từ app mBCCS, quản lý cập nhật hình ảnh kênh từ app Mstation. 100% các điểm bán của Metfone hiện đã sử dụng app Mdealer để đăng ký thông tin, scan sim. Nền tảng với các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng của Metfone đạt hơn 10 triệu người đăng ký và theo dõi trên Facebook, Youtube, Tiktok, Telegram, CamID.
Đối với dịch vụ cung cấp ra bên ngoài, Metfone thực hiện nhiều chiến lược chuyển dịch số trên nhiều lĩnh vực. Ở cấp Chính phủ, Metfone là doanh nghiệp hiếm hoi ký hợp tác toàn diện thực hiện chiến lược chuyển đổi số cho Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
Trong cộng đồng doanh nghiệp, Metfone là đơn vị kiến tạo được một mạng lưới ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và cung cấp các công cụ hỗ trợ kinh doanh, đặc biệt là trong Covid-19. Trong đó, giải pháp công nghệ thông tin B2B, Digital và tài chính số chiếm hơn 10% tổng doanh thu của Metfone.
Với khách hàng cá nhân, Metfone đã đưa tỷ lệ khách hàng data đạt mốc 91%, trong đó 95% là khách hàng 4G, cao nhất tại các thị trường mà Viettel đầu tư. Ứng dụng CamID của Metfone ra mắt tháng 4/2021 có tổng 5 triệu người cài đặt, trong đó có một triệu khách hàng sử dụng thường xuyên. Ứng dụng này hướng tới việc mỗi người dân Campuchia sẽ có một ID, không chỉ thuê bao Metfone mới dùng CamID mà thuê bao mạng khác cũng có thể đăng ký. Nhờ đó, người dân có thể làm các thủ tục hành chính công như giấy khai sinh, giấy phép lái xe… đều dựa trên CamID.
eMoney của Metfone đang là ví điện tử lớn nhất của Campuchia với hơn 800.000 khách hàng sử dụng thường xuyên.
Tầm quan trọng của chuyển đổi số được khẳng định vào giai đoạn Covid-19 và Metfone cũng đóng vai trò tiên phong đưa ra các giải pháp số để giải quyết các vấn đề khó khăn cho xã hội Campuchia khi đó.
Năm 2020, khi Covid-19 bùng nổ, Chính phủ Campuchia phải đóng cửa tất cả các trường học để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Metfone đã cung cấp miễn phí data cho toàn bộ học sinh, sinh viên khi truy cập vào các cổng thông tin học online. Công ty này cũng giảm giá 50% phí lắp đặt Internet cho học sinh sinh viên, giáo viên và hỗ trợ miễn phí hạ tầng viễn thông cũng như nền tảng học trực tuyến với quy mô lên tới 500.000 người sử dụng.
Trong lĩnh vực y tế, Metfone hỗ trợ miễn phí Bộ Y tế Campuchia nhắn tin cập nhật tình hình bệnh dịch cho người dân và cung cấp gói cước miễn phí cho đội ngũ y, bác sỹ - những người trên tuyến đầu chống dịch bệnh.
Người dân Campuchia cũng được cung cấp một loạt dịch vụ mới sử dụng tại nhà và ưu đãi khi nạp tiền qua ứng dụng eMoney, giao dịch qua ví điện tử để hạn chế đi lại và giao dịch bằng tiền mặt.
"Trong những năm tới, bên cạnh các lĩnh vực đã trở thành thế mạnh, chúng tôi sẽ chuyển dịch cung cấp dịch vụ ra các lĩnh vực mới như thương mại điện tử và logistic, giao thông thông minh, y tế, giáo dục thông minh, du lịch số, game, e-sport, xổ số điện tử, truyền hình trả tiền (OTT TV)...", ông Cao Mạnh Đức, CEO Metfone, cho biết.
Để làm được tất cả những điều này, Metfone đã dựa trên thế mạnh về hạ tầng số. Với vai trò tiên phong chuyển đổi số tại Campuchia, Metfone vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông với công nghệ hiện đại nhất như 4.5G, 5G, Narrowband IoT, Big data, AI... và vùng phủ sóng rộng.