1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mẹo mua sắm để không bị "thủng ví" khi lướt Shopee, Lazada, Tiki...

Ninh An

(Dân trí) - Để tiết kiệm tiền, chi tiêu thông minh khi lướt các ứng dụng thương mại điện tử, bạn cần có kế hoạch cụ thể, tận dụng tối đa các chính sách giảm giá, khuyến mại, hoàn tiền.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng chi tiền vào những món đồ có giá trị không quá cao trên các sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, phân khúc giá 100.000-200.000 đồng và 200.000-500.000 đồng đem lại doanh thu cao nhất ở 5 thương mại điện tử lớn trong 3 tháng đầu năm. Mặt khác, phân khúc 10.000-50.000 đồng đem lại sản lượng bán hàng lớn nhất.

Việc mua sắm tiện lợi, dễ dàng, giá trị nhỏ khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu một cách không kiểm soát. Làm sao để tiết kiệm tiền cũng như tỉnh táo khi lướt các ứng dụng mua sắm?

Lên danh sách mua sắm

Thay vì mua thứ gì đó ngay khi một ý nghĩ lướt qua, bạn hãy tạo danh sách mong muốn và chờ các sự kiện giảm giá.

Thông thường, các sàn thương mại điện tử sẽ tung ra khuyến mãi vào những kỳ nghỉ lễ, các sự kiện như Black Friday. Việc lên danh sách mua sắm trước giúp bạn kiểm soát chi tiêu cũng như cân nhắc kỹ món đồ đó có cần thiết hay không thay vì mua ngẫu hứng.

So sánh giá cả trước khi mua

Lời khuyên của các chuyên gia là đừng bao giờ mua bất cứ thứ gì trực tuyến mà không so sánh giá cả. Khi dành thời gian để tìm kiếm giá thấp hơn, bạn có nhiều tiền hơn để mua sắm.

Hiện nay có rất nhiều công cụ giúp bạn dễ dàng so sánh giá cả như Google hoặc các trang web chuyên về so sánh như websosanh. Điều này rất hữu ích vì bạn có thể tìm thấy ở một sàn thương mại điện tử khác với ý định ban đầu.

Kiểm tra lịch sử giá

Khi mua sắm trực tuyến, bạn nên kiểm tra lịch sử định giá. Việc này giúp bạn biết liệu món đồ đó đã thực sự có mức giá ưu đãi tốt hay không. Trên thế giới có những trang như CamelCamelCamel.com và PayPal Honey chuyên cung cấp dữ liệu về giá để giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt.

Cố gắng để được giảm giá hồi tố

Việc so sánh giá không nhất thiết phải dừng lại khi bạn đã mua hàng. Nếu bạn biết sản phẩm nào đó được giảm giá sau khi đã mua, hãy thử kiểm tra chính sách điều chỉnh giá của cửa hàng.

Một số đơn vị có thể cung cấp cho bạn mã giảm giá mua hàng cho lần sau hoặc những dịch vụ tương tự. Bạn có thể nhắn tin hoặc gọi cho cửa hàng để hỏi về việc điều chỉnh giá.

Mẹo mua sắm để không bị thủng ví khi lướt Shopee, Lazada, Tiki... - 1

Lên kế hoạch, chờ khuyến mại sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền khi mua sắm trực tuyến (Ảnh: The Balance).

Tìm kiếm phiếu giảm giá

Hãy cố gắng lấy thật nhiều phiếu giảm giá trước khi thực hiện mua hàng. Hầu hết sàn thương mại điện tử đều cung cấp phiếu giảm giá theo đối tượng hoặc thời điểm.

Đó có thể là phiếu giảm giá dành cho người dùng mới, người đăng ký dịch vụ mới để nhận tiền hoặc giao hàng miễn phí. Hãy thu thập cả mã giảm giá, khuyến mại trực tiếp của các cửa hàng.

Nếu bạn mua sắm trên các trang web, có thể sử dụng tiện ích mở rộng Cently của Chrome để nhận thông báo nếu có phiếu giảm giá.

Tối đa hóa việc hoàn tiền

Nếu quen với việc sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ kiếm được khoản hoàn tiền có giá trị khi mua sắm trực tuyến. Hiện nay các ngân hàng thường hợp tác với sàn thương mại điện tử để cung cấp thẻ tín dụng với mục đích mua sắm trực tuyến với tỷ lệ hoàn tiền từ 3-5%.

Ví dụ có ngân hàng sẵn sàng hoàn tiền 6% giao dịch chi tiêu tại Shopee với giá trị tiền hoàn tối đa hàng tháng là 250.000 đồng. Kèm theo đó là những quà chào mừng, quà sinh nhật và mã miễn phí vận chuyển.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm