“Mẹ ơi, tết này con lại không về!”
Đó là câu mở đầu của cuộc điện thoại giữa chị Bích - CN Cty Kyung Sung Vina, H.Hóc Môn, TPHCM - với mẹ chị đang ở Nghệ An. “Tiền lương chưa biết khi nào mới được trả, tiền ăn, tiền nhà còn chạy từng bữa, vay trước vay sau thì ai dám mơ tết” - chị bộc bạch.
Không riêng gì chị Bích, gần 200 CN Cty Kuyng Sung Vina và hàng ngàn CN mất việc những ngày cuối năm đều chung một tâm trạng, một hoàn cảnh và một câu trả lời buồn bã với người thân ở quê rằng “Tết này con không về!”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Giáp Tết, gian lận về giá lại gia tăng |
Tôi trở lại Cty Kyung Sung Vina (123E ấp Đình, xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, TPHCM) vào những ngày cuối năm 2013, máy móc của Cty đã được tập trung lại 2 nhà kho, đóng dấu niêm phong đỏ chóe của Tòa án Nhân dân huyện Hóc Môn. Trên biển hiệu của Cty Kyung Sung Vina, một Cty mới đã đến thuê lại xưởng, căng băngrôn tuyển dụng 800 CN.
Chị Hà - cựu CN Cty Kyung Sung Vina - mang 4 tập hồ sơ đến xin việc. Gặp tôi, chị nói như mếu: “Khổ quá em à. Năm nay vận hạn giáng xuống cả gia đình chị hay sao đó. Năm hết tết đến rồi, kiểu này không biết sống sao đây?”.
Theo lời chị Hà, vợ chồng chị cùng làm ở Kyung Sung Vina hơn 1 năm, thời gian đầu lương ổn định nên chị bàn với một cô em chồng và em gái của mình từ quận Tân Bình chuyển về đây, làm cùng Cty, có chị có em cho vui.
“Hai đứa em về được 2 tháng thì Cty bắt đầu nợ lương, từ tháng 5 Cty bắt đầu trả lương nhỏ giọt rồi đến tháng 9 là chính thức đổ bể. Ông chủ Hàn Quốc trốn biệt tăm, 4 tháng lương của 4 người trong gia đình tôi nằm mãi ở đây. Hơn 60 triệu đồng, cả một gia tài chứ đâu phải chuyện nhỏ.
Trước đây, nếu vợ chồng tôi khó khăn thì còn hai đứa em hỗ trợ, bây giờ cả nhà như đang “chết chùm” vậy. Hai đứa em đã đi xin việc ở nơi khác, còn vợ chồng tôi vẫn bám ở đây, phần vì con cái đang học gần đây, phần vì túc trực để khi được giải quyết tiền lương thì mình có mặt kịp thời để nhận” - chị chia sẻ.
Vừa nói, chị vừa đưa 4 hồ sơ cho tôi xem. Chị cho biết, 2 hồ sơ là của vợ chồng chị, 2 hồ sơ là của vợ chồng người bạn, vì phải chăm con ốm nên nhờ chị đi nộp giúp. “Hết tết rồi! Cuối năm người ta lo thưởng tết được bao nhiêu, còn mình thì lại vác hồ sơ đi xin việc, bố mẹ hai bên gọi điện hỏi thăm, gia đình 4 người chúng tôi chỉ biết khóc thầm, nói dối bố mẹ việc nhiều quá nên ở lại, hứa năm sau sẽ cử đại diện về thăm ông bà” - chị gần như bật khóc.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn - thở dài: “Hoàn cảnh của hơn 180 CN Cty Kyung Sung Vina rất khó khăn. Mỗi ngày anh chị em đều gọi lên LĐLĐ huyện hỏi thăm tòa án đã giải quyết tới đâu, khi nào được nhận lương, vừa rồi có thông tin UBND TP quyết định hỗ trợ mỗi CN 1 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy, CN sốt ruột lắm, bởi một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Trước mắt, LĐLĐ huyện mới chỉ có thể cam kết hỗ trợ cho những CN đang trong thời kỳ thai sản của Cty có quà tết, còn những CN khác LĐLĐ huyện chưa dám chắc vì sức của LĐLĐ huyện cũng có hạn”.
Cùng hoàn cảnh mất việc lúc cuối năm, thêm cái tết ở lại Sài Gòn, 40 CN của Cty TNHH C và J, H.Hóc Môn, TPHCM chính thức mất việc vào ngày 31.12.2013 khi DN này ngừng hoạt động. Chị Trương - quê Hà Tĩnh, CN Cty - trình bày: “Gần tháng qua, CN cũng đã nghe phong thanh thông tin Cty sẽ giải tán, nhưng không ai dám nghĩ là lại nhanh đến như vậy.
Ban đầu Cty chỉ hứa trả lương, nhưng sau khi được LĐLĐ huyện Hóc Môn tác động, Cty đã đồng ý trả thêm cho CN tháng lương thứ 13, được 2 tháng lương, cầm cự qua tết, sang năm kiếm việc khác. Xem như năm nay không có tết, chỉ sợ nhất lúc giao thừa, nghe mấy bài hát mừng xuân, những lời chúc mừng năm mới vang lên trên tivi mà mình chỉ muốn khóc”.
Theo lời chị Hà - CN Cty Kyung Sung Vina, những năm trước vợ chồng chị không về quê vì con còn nhỏ, sợ lạnh nhưng ở lại TPHCM vẫn có một cái tết khá ấm cúng khi lương, thưởng đầy đủ, còn gửi về gia đình hai bên được 2 triệu đồng mừng tuổi.
“Năm nay, lỡ giấu ông bà chuyện mất việc, bị Cty nợ lương, vợ chồng phải vay mượn để sống tạm, vợ chồng tôi cũng vay 1 triệu đồng gửi về cho ông bà. Chẳng phải ông bà đòi hỏi, nhưng mình có tiền gửi về nghĩa là mình vẫn sống tốt, cuộc sống dư dả, ông bà đỡ lo” - chị Hà thở dài.
“Ở lại TPHCM ăn tết vì việc nhiều, vì con nhỏ thì còn đỡ tủi, nhưng ở lại TPHCM vì không có tiền về xe, tết nhất buồn hiu, đêm giao thừa mấy đứa con gái độc thân ở xóm trọ ôm nhau khóc inh lên. Qua giao thừa, cả đám chỉ nằm nhà mong qua mấy ngày tết để đi làm, để nộp hồ sơ xin việc.