"Mất mùa" cưới vì Covid-19, nghề trang điểm ế khách "khóc" như mưa
(Dân trí) - Thời điểm dịch bệnh, nhiều người tranh thủ đi học thêm nghề trang điểm nhưng khi mùa cưới tới thì giá của dịch vụ này lại giảm mạnh.
Nửa năm ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa phần đám cưới đều bị hoãn. Có những cô dâu phải hoãn 3 - 4 lần, thậm chí chờ đẻ xong mới có thể tổ chức đám cưới.
Phải đến hết tháng 7 âm lịch, nhiều gia đình mới rục rịch tổ chức đám cưới. Nhiều người dự đoán, cao điểm mùa cưới năm nay sẽ rơi vào tháng 9 - 11 âm lịch.
Chị Nguyễn Thị Thảo (Bạch Mai, Hà Nội) - một người chuyên trang điểm cô dâu - cho biết: Đám cưới nhiều nhưng lại khó nhận được khách hơn mọi năm. Bởi, năm nay có sự cạnh tranh trong nghề khá lớn.
Nhiều người rỗi việc trong lúc dịch cũng đi học trang điểm, nên đến mùa cưới, lượng người làm dịch vụ này bỗng tăng vọt.
“Người làm trang điểm nhiều nên giá dịch vụ cũng rẻ hơn, điều này có lợi cho khách hàng. Nhưng do ít việc, nên hiện nay đang xuất hiện tình trạng “phá giá” để lấy khách” - chị Thảo nói.
Giá trang điểm cho cô dâu với các thợ cứng (có 3 - 5 năm kinh nghiệm) vào khoảng 2.000.000 đồng/mặt, với mẹ cô dâu là 1.000.000 - 1.200.000 đồng/mặt. Người mới ra nghề chỉ khoảng 700.000 - 1.000.000 đồng/mặt, mẹ cô dâu và người nhà trang điểm chỉ 100.000 - 300.000 đồng.
Giảm tới 30 - 50% so với giá thị trường, vì vậy theo dân trong nghề chất lượng mỹ phẩm hoặc tay nghề của thợ sẽ kém hơn. Song, trong thời điểm khó khăn thì tiết kiệm được một khoản cho đám cưới cũng là điều tốt.
Cạnh tranh nhiều nên ngoài thị trường Hà Nội năm nay chị Nguyễn Thị Thanh Vân (Minh Khai, Hà Nội) còn phải nhận trang điểm cô dâu ở các tỉnh để phục vụ nhu cầu của khách.
Mới trở lại làm sau dịch, chị Vân cho biết, dù cuối tuần hay ngày đẹp đều đã có lịch, nhưng thời điểm hiện tại chưa bằng năm ngoái. Có thể phải sang tháng 9 âm thì nhu cầu cưới hỏi mới tăng mạnh.
“Hiện tại, tôi nhận thêm nhiều đám cưới ở các tỉnh hơn để lấy khách. Do thị trường Hà Nội đang cạnh tranh nhau khá mạnh” - chị Vân nói và cho biết, không những đi xa mà còn phải hỗ trợ 1 phần chi phí đi lại cho khách, do năm nay mọi người đều khó khăn chung.
Chi phí đi trang điểm ở các tỉnh cao hơn nhưng theo chị Vân mất công sức đi lại khá nhiều. Chưa kể, có những đám cưới phải đi 2 ngày mới xong việc nên vất vả hơn. Trong khi trước đây, nếu nhận ở Hà Nội, một ngày chị có thể chạy “sô” 2 - 3 đám cưới.
Nghỉ dịch vài tháng, chị N.T.L.A. (Hà Đông, Hà Nội) quyết định bỏ ra số tiền hơn 30 triệu đồng để đi học trang điểm. Chị N.T.L.A. cho biết số tiền đó vẫn còn ít, bởi nếu học thêm thì tiền học có thể lên tới 50 triệu đồng.
Ngoài số tiền học, chị A. còn phải bỏ ra vài chục triệu đồng để sắm "cốp", hay còn gọi là đồ nghề trang điểm.
Dám đầu tư vì theo chị A. nhu cầu cưới hỏi sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm thì đây là thời điểm thích hợp nhất.
Xác định là thợ mới nên chị A. cũng chỉ dám lấy phí trang điểm cho cô dâu với mức giá 800.000 đồng. Đối tượng khách hàng của chị cũng là những khách muốn tiết kiệm và không cần quá cầu kỳ.
Không chỉ trang điểm, hiện tại nhiều dịch vụ cưới hỏi cũng đang giảm giá để hỗ trợ khách hàng, dù sắp vào mùa cao điểm.