Masan và câu chuyện Núi Pháo

Sau hơn hai năm tiếp quản, dự án khai thác mỏ đa kim loại Núi Pháo ở tỉnh Thái Nguyên - đây cũng là dự án khai mỏ đầu tiên của Masan Resources, một công ty trực thuộc Tập đoàn Masan đã chính thức đi vào vận hành.

Vận hành thử trạm nghiền trên công trường mỏ Núi Pháo
Vận hành thử trạm nghiền trên công trường mỏ Núi Pháo
 
Tập trung nguồn lực tài chính cho dự án

 

Núi Pháo là một khu mỏ đa kim nằm trên diện tích 9,21 km2 ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có trữ lượng khoảng 52,5 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismuth và đồng. Dự án Núi Pháo là dự án về khoáng sản lớn tại Việt Nam và cũng là nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc do Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo - dự án khai mỏ đầu tiên của Masan Resources (công ty con của Tập đoàn Masan) thực hiện.

 

Với nguồn lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, dự án Núi Pháo trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững về kinh tế xã hội, chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư và phát triển cộng đồng. Dự án đi vào hoạt động sẽ có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và là điểm nhấn cho ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam nói chung… 

 

Trong năm 2013, Công ty Núi Pháo đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Theo tính toán, dự án sẽ hoạt động trong vòng khoảng 16 năm kể từ năm 2013, và đơn vị cũng sẽ đầu tư chế biến sâu trước khi xuất khẩu.

 

Sau khi tiếp quản dự án Núi Pháo, Masan Group đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác có tiềm lực tài chính mạnh để tăng khả năng tài chính cho dự án, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể Masan Resources đã đạt được một khoản vay 80 triệu USD từ Ngân hàng Standard Chartered để phát triển dự án, đây cũng được xem là khoản vốn vay quốc tế đầu tiên dành cho một dự án khai thác khoáng sản của khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

 

Tính đến nay Masan Resources cũng đã hoàn thành tiến độ đáng kể trong quá trình phát triển dự án Núi Pháo. Trong năm 2012 công ty đã chi khoảng 220 triệu USD để thực hiện phần lớn công tác xây dựng. Ngoài ra cho đến nay dự án Núi Pháo đã đầu tư hơn 60 triệu USD cho cộng đồng địa phương chịu ảnh hưởng từ dự án trong việc tái định cư và khôi phục kinh tế.

 

Từ kết quả đạt được trong việc gắn kết với cộng đồng địa phương tỉnh Thái Nguyên và sự tuân thủ các tiêu chuẩn hoạt động quốc tế trên các khía cạnh bảo vệ môi trường, an toàn và xã hội, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng trong tháng 3 vừa qua.

           

Chiến lược khai thác song hành cùng bảo vệ

 

Với tiêu chí đặt môi trường và sự an toàn song song với hiệu quả kinh tế, hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản của dự án Núi Pháo chú trọng hạn chế những tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến; không xuất thô các loại nguyên liệu khoáng, tăng cường tinh chế…

 

Với những tiêu chuẩn này Masan Resources đã góp phần cho việc phát triển bền vững môi trường đối với các dự án mỏ, giảm thiểu bất cứ ảnh hưởng bất lợi nào của dự án gây tác động đến môi trường.  

 

Để vận hành dự án với cam kết đạt các tiêu chuẩn toàn cầu, Masan Resources đã tập hợp một đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác vận hành mỏ tại dự án Núi Pháo. Có thể kể đến tên tuổi của các chuyên gia như ông Dominic Heaton, Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) của Masan Resources với hơn 20 năm kinh nghiệm về các hoạt động mỏ ở Lào và nhiều nước khác; Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Masan Resources chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động giải tỏa và đền bù với trên 30 năm kinh nghiệm trong các dự án phát triển hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á.

 

Đặc biệt dự án Núi Pháo được thiết kế bằng sự tập hợp các nhà thầu có đẳng cấp quốc tế cả trong và ngoài nước. Điển hình trong đó là Tập đoàn Kỹ thuật Jacobs, nhà cung cấp lớn và đa dạng nhất các dịch vụ kỹ thuật và thu mua cho nhà máy chế biến, cơ sở hạ tầng kết nối… Licogi 13 đảm nhận công việc đào đắp khối lượng lớn cho các đập cuối và khu vực bị ảnh hưởng trong nhà máy chế biến và các tên tuổi lớn trong ngành xây dựng và khai thác khoáng sản như LILAMA 10,  Petrosetco, CominAsia… cũng tham gia vào dự án này.

 

Với mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về khai thác khoáng sản tại Việt Nam và trên thế giới, dự án Núi Pháo đã xây dựng và thực hiện tốt các cam kết về tuân thủ các chính sách của Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về bồi thường - tái định cư, chính sách về tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, các chính sách về an toàn lao động… 
 

N.T