1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Masan và bước đi chắc chắn tạo hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu

(Dân trí) - Không dừng lại ở thương vụ “bom tấn” M&A với Vingroup, Masan đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành Tập đoàn Tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu cả nước với nhiều thương vụ M&A đình đám thành công và khác biệt.

Từ “quả ngọt” VinCommerce

Báo cáo HĐQT gửi cổ đông trước thềm ĐHCĐ thường niên năm 2020, Masan tiếp tục kiên định với mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ và lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Cụ thể, mục tiêu doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp ở mức 75.000-85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty dao động từ 1.000-  3.000 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh năm 2019, doanh thu của Masan dự kiến tăng thêm 38.000- 48.000 tỷ đồng.

Với VinCommerce (VCM)- thành viên mới nhận sáp nhập từ Vingroup, dù năm 2020 là năm đầu tiên vận hành hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ nhưng doanh thu đã đạt được mức ấn tượng. Tính đến hết quý 1, doanh thu của VCM lần lượt tăng trưởng 40,3% so với quý 1/2019 và 17,0% so với quý 4/2019. Masan cho biết dự kiến biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của VinCommerce, công ty vận hành chuỗi VinMart/VinMart+, sẽ đạt mức từ -3% đến 0%, tiến đến điểm hòa vốn vào nửa cuối 2020.

Masan và bước đi chắc chắn tạo hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu - 1

VinCommerce sẽ tiếp tục củng cố vị thế tại Hà Nội, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành khác nhằm thúc đẩy lợi nhuận song song với việc đóng cửa các cửa hàng không có khả năng hòa vốn.  Ngoài ra, VinCommerce sẽ cải thiện lợi nhuận nhờ đóng góp của các nhãn hàng riêng dự kiến ngày càng cao; phát triển chuỗi cung ứng tích hợp đầu cuối để giảm chi phí vận hành; đưa chi phí bán hàng đạt mức tốt nhất trên thị trường. “Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong quý 1 năm 2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với quý 1 năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của Covid-19, nhưng tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới. Covid-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới, và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Với quy mô hoạt động và mối quan hệ hợp tác mật thiết với hàng trăm ngàn điểm bán lẻ truyền thống trên cả nước, Masan cùng các đối tác sẽ thúc đẩy xu hướng bán lẻ hiện đại nhằm mang đến những lợi ích tốt nhất và trải nghiệm vượt trội cho người tiêu dùng”- Chủ tịch Tập đoàn Masan Group- ông Nguyễn Đăng Quang cho hay.

Xét về triển vọng dài hạn, Masan tin rằng, năm 2019 là năm bản lề cho sự chuyển đổi của Masan trong 5 năm tới. “Với việc gia nhập lĩnh vực bán lẻ, chúng tôi hiện đã sở hữu hầu hết các yếu tố cần thiết để xây dựng một nền tảng “Tiêu dùng – Bán lẻ” thực thụ. Nhờ vào công nghệ và hàng loạt điểm tương tác, chúng tôi và người tiêu dùng có thể kết nối liền mạch và hiệu quả từ đó rút ngắn khoảng cách giữa người tiêu dùng và nhà tiếp thị. Masan sẽ xây dựng phương thức bán hàng đa kênh (omni-channel) trong 5 năm tới để kích cầu tiêu dùng lớn bằng cách cung cấp danh mục sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt”, Masan khẳng định.

Đến loạt thương vụ M&A hoàn thiện hơn vòng tròn tiêu dùng - bán lẻ

Sau thương vụ M&A đình đám với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) tiếp tục M&A thành công thương hiệu bột giặt hơn 50 tuổi - Công ty CP Bột giặt Net, chính thức “lấn sân” mảng chăm sóc cá nhân và gia đình.

Đến nay, Masan đã “nắm trong tay” khá nhiều thương hiệu uy tín của Việt Nam như: Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF); Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo; Công ty Nước khoáng và Thương mại Dịch vụ Quảng Ninh (nổi tiếng với thương hiệu nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và Faith). Hậu M&A, những công ty này đều đạt doanh thu ấn tượng, đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.

Masan và bước đi chắc chắn tạo hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu - 2

Chia sẻ về mục tiêu của năm 2020, Masan Consumers Holdings lên kế hoạch doanh thu trong khoảng từ 23.000 đến 24.500 tỷ đồng, tăng trưởng 24-33% so với mức thực hiện năm 2019. Không phải tự nhiên mà tập đoàn này kì vọng lợi nhuận vào hàng hai con số. Báo cáo HĐQT chỉ ra mức tăng trưởng này được xây dựng dựa trên chiến lược cao cấp hoá các ngành hàng chính và gia tăng cơ hội cho các ngành hàng trụ cột mới. 

Kết quả kinh doanh của MCH thực tế đã cho những con số ấn tượng ngay từ quý 1/2020. Theo đó, doanh thu thuần của công ty con này đạt mức tăng trưởng 22,4%, được thúc đẩy bởi tăng trưởng 59,7% của ngành hàng thực phẩm tiện lợi và tăng trưởng gấp 3 lần của ngành hàng thịt chế biến. Chiến lược cao cấp hóa và đô thị hóa của MCH tăng tốc với doanh số tăng trưởng 75% tại kênh bán lẻ hiện đại.

Thời gian tới, ngành hàng gia vị tiếp tục tập trung vào chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và cải thiện biên lợi nhuận của mảng hạt nêm. Ngành hàng thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến tập trung vào chiến lược cao cấp hóa danh mục hiện có, đồng thời chú trọng xây dựng các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh.

Với ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, việc tích hợp thành công Công ty Cổ phần Bột giặt Net (NETCO), Masan sẽ tận dụng hệ thống điểm bán của MCH để đưa thương hiệu và sản phẩm của NETCO đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc.

Bước tiếp theo trong nửa cuối năm 2020 là tung ra các sản phẩm tiềm năng khác trong ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. VCM đạt biên EBITDA cả năm từ (3)% cho đến hòa vốn.

Bên cạnh MCH, trong chiến lược kinh doanh của, tới đây Masan MeatLife sẽ phấn đấu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến để tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Masan Resources sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp mảng kinh doanh của tập đoàn H.C.Stark sau khi mua lại để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá vonfram theo chu kỳ hàng hóa. “Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tối đa hóa vị thế thanh khoản nhằm đảm bảo nguồn tiền mặt sẵn có đủ để vượt qua khó khăn nếu đại dịch Covid-19 kéo dài lâu hơn dự kiến, và giữ vị thế sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chiến lược của tập đoàn hoặc thông qua mua bán sáp nhập (M&A). Điều này có thể khiến dư nợ của chúng tôi vượt quá mức dự kiến trong ngắn hạn, và đòi hỏi phải điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán để tối ưu hóa trong 12-18 tháng tới”, báo cáo của HĐQT công ty cho biết.

Trường Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm