Masan Group tăng doanh thu hơn 60% nửa đầu 2014 nhờ hàng tiêu dùng
(Dân trí) - Với dự trữ tiền mặt hơn 250 triệu USD, Masan Group đang có tiềm lực tài chính mạnh để tập trung phát triển thị trường hàng tiêu dùng, bao gồm cả ngành hàng gia vị, thực phẩm, đồ uống không cồn...
Masan Group tung nhiều sản phẩm thực phẩm và đồ uống ra thị trường trong thời gian qua
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Ngân hàng sống nhờ ngân sách: * Tội gì không làm! * Thêm “đại gia” xin vay tiền sắm 220 tàu vỏ thép, 3 máy bay trực thăng |
Trong đó, doanh thu hàng tiêu dùng tăng 33,3% so với 6 tháng đầu năm 2013, chủ yếu dựa vào sức tăng trưởng tại ngành hàng gia vị, sự gia tăng thị phần ngành hàng thực phẩm tiện lợi và đà tăng trưởng của các sản phẩm đồ uống mới tung ra thị trường.
Masan Resources cũng đóng góp tới 1.145 tỷ đồng vào doanh thu chung khi mỏ Núi Pháo tiếp tục gia tăng quy mô sản xuất.
Chỉ số EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) trong kỳ của Masan Group tăng mạnh 105,5% nhờ gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành hàng tiêu dùng do hiệu quả từ quy mô lớn, sự cải thiện năng suất và các kế hoạch cắt giảm chi phí, cũng như sự đóng góp của dự án Núi Pháo.
Mảng kinh doanh hàng tiêu dùng đạt kỷ lục trên mọi chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu ngành hàng gia vị lợi nhuận cao đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, được bổ trợ từ thị phần tăng thêm trong ngành hàng mì ăn liền. Thời gian vừa rồi, Masan Consumer đã tung ra ba sản phẩm mới là Wake-Up 247, Aktiva và Storm - nhắm đến thị trường đồ uống không cồn trị giá 2,5 tỷ USD. Các khoản đầu tư vào hoạt động xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm trong năm 2013 đang thể hiện ở kết quả trong doanh thu ngành hàng thực phẩm tiện lợi và đồ uống không cồn. Tăng trưởng doanh thu của cà phê ở thị trường nội địa ở mức ấn tượng 63,3%.
Với sự xâm nhập vào phân khúc bữa ăn hoàn chỉnh và phân khúc mì ăn liền thị trường trung cấp, đồng thời thiết lập nền tảng để xâm nhập ngành hàng đồ uống, thị trường Masan Consumer có thể tiếp cận đã tăng từ 1,1 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD. Kết hợp với các khoản đầu tư vào hoạt động phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối trong năm ngoái, điều này được cho là sẽ mang lại doanh thu mạnh mẽ hơn trong toàn bộ các ngành hàng.
Cụ thể, nhu cầu trong ngành hàng gia vị có tỷ suất lợi nhuận cao vẫn mạnh mẽ, với doanh thu trong nửa đầu năm 2014 tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Doanh thu trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhờ sự tăng trưởng tiếp tục của nhãn hàng mì ăn liền Omachi trong phân khúc cao cấp và nhãn hàng Kokomi trong phân khúc phổ thông, cũng như đà gia tăng thị phần của nhãn hàng Sagami trong phân khúc trung cấp và các sản phẩm bữa ăn hoàn chỉnh B'fast và Komi.
Trong Quý II và Quý III/2014, Masan Group tái cấu trúc để thành lập và trực tiếp sở hữu công ty Masan Agri và Masan Brewery, hai trụ cột mới để tập trung vào sự tăng trưởng từ ngành hàng tiêu dùng. Hiện, Ma San Group đang có dự trữ tiền mặt hơn 250 triệu USD, đủ để phục vụ cho nhu cầu phát triển của mình.
Tập đoàn đang trong quá trình mua lại một công ty sở hữu 99,9% cổ phần trong Công ty Cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên (PYBECO). Công ty này sẽ được gọi là “Công ty TNHH Masan Brewery” và sẽ được hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Masan Group kể từ quý III tới.
Trong khi đó, Masan Agri, một công ty con do Masan Group sở hữu 51%, và công ty cổ phần tư nhân quốc tế TPG nắm giữ phần vốn còn lại, đã được tái cấu trúc nội bộ để được nắm giữ trực tiếp bởi Masan Group, nhằm khai thác các lợi ích từ thị trường protein (bao gồm thịt và hải sản) đang tăng trưởng đầy hấp dẫn của Việt Nam. Masan Agri hiện đang nắm giữ 40% cổ phần trong công ty Proconco, công ty thức ăn gia súc địa phương lớn nhất của Việt Nam với doanh số nửa đầu năm 2014 đạt 6.749 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính lần này của Ma San Group cũng cho thấy kết quả tốt từ công ty liên kết là Techcombank với lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 45,5% so cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch năm, đạt 948 tỷ đồng.
Mai Chi