Masan đã được Tường An?

Giá cổ phiếu Công ty Dầu Thực vật Tường An (TAC) tăng 80% từ tháng 2/4/2012, khi có tin đồn Công ty Tập đoàn Masan (MSN) lăm le mua cổ phần TAC.

Masan đã được Tường An?
 
Cả MSN và TAC đều phủ nhận việc mua bán cổ phần. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, tin đồn đã không ít lần trở thành tin chính thức. Còn nhớ, thông tin Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Eximbank, EIB) gom cổ phần Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) trước đây ít lâu cũng chỉ được coi là tin đồn. Tương tự là thông tin về việc sáp nhập của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Nhà Hà Nội - (Habubank, HBB). Các tin đồn này sau đó đều thành hiện thực.

 

Liệu một ngày nào đó TAC lại trở về với MSN như một thời MSN đã được mua Công ty Vinacafé Biên Hòa (VCF)?

 

Mảnh ghép tốt

 

Dầu ăn ngày càng chiếm cơ cấu lớn trong ngành hàng thực phẩm tiêu dùng với 29% trong năm 2010, theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành dầu ăn khoảng 15%. Tăng trưởng lợi nhuận ròng của TAC qua các năm 2009 và 2010 lần lượt đạt hơn 135% và 215%. Mặc dù năm 2011 chỉ tiêu này đã giảm khoảng 71% do giá nguyên liệu tăng nhưng mức tăng trưởng trên cũng cho thấy sự hấp dẫn của TAC.

 

Mua TAC cũng phù hợp với chiến lược dài hạn của MSN. Trong Báo cáo Thường niên 2011, ông Madhur Maini, Tổng Giám đốc Điều hành MSN, cho biết mục tiêu của công ty là: “Mở rộng danh mục sản phẩm ngành hàng tiêu dùng thông qua cơ hội tăng trưởng nội tại lẫn mua bán và sáp nhập”. Cụ thể với ngành hàng tiêu dùng, MSN nhắm đến những thị trường đang bị thống trị bởi các doanh nghiệp nhà nước hoặc bị phân mảnh vì ở đó tồn tại một lộ trình rõ ràng để hợp nhất ngành. Mục tiêu này được Masan Consumer - công ty con của MSN hiện thực hóa bằng cách mua lại những công ty hàng đầu trong cùng ngành hàng.

 

Hơn nữa, TAC còn là doanh nghiệp duy nhất trong ngành đã niêm yết. Mua hơn 50% cổ phần để được chi phối cả công ty thông qua thị trường chứng khoán sẽ thuận tiện hơn nếu mua một doanh nghiệp chưa niêm yết khác, chẳng hạn như dầu Cái Lân.

 

Về với MSN cũng có thể mang lại lợi ích cho TAC. Công ty đứng thứ hai trên thị trường dầu ăn với thị phần 25%, sau Dầu ăn Cái Lân (chiếm 45% thị trường). Hiện nay, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) nắm 51% cổ phần tại TAC. Vì vậy, giá nguyên liệu và giá bán sản phẩm của TAC đều do Vocarimex quyết định. TAC phải mua nguyên liệu từ công ty mẹ với giá cao hơn thị trường khoảng 5%, theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Kim Eng (KEVS). Nếu được MSN mua lại, TAC có thể sẽ chọn được những nhà cung cấp nguyên liệu khác với giá cạnh tranh hơn. Chủ động được nguồn nguyên liệu cũng là một yếu tố giúp Cái Lân giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường. (Vocarimex chỉ nắm 32% cổ phần tại Cái Lân nên không chi phối việc nhập khẩu nguyên liệu của Cái Lân vì Tập đoàn Wilmar của Singapore sở hữu 68% cổ phần).

 

Chiêu thức Masan

 

Nếu muốn mua cổ phần chi phối (trên 50%) TAC, MSN phải đàm phán mua lại từ Vocarimex nhưng “chưa chắc Vocarimex muốn bán một công ty tốt như TAC”, theo nhận định của Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Công ty Tư vấn TNK Capital.

 

Khả năng này có thể xảy ra nếu nhìn từ trường hợp của Tổng Công ty Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn giữ hơn 35% cổ phần tại PET nhưng cho biết không có ý định rút vốn. Đại diện của PVN lý giải, thường thì rút vốn khi công ty làm ăn không hiệu quả, nhưng PET không bị đưa vào nhóm này.

 

Trong trường hợp này, có thể MSN lại sử dụng cách thức mua cổ phần TAC như từng làm với VCF: một mặt mua lại từ các cổ đông lớn, mặt khác chào mua công khai. Đến cuối quý I/2012, nguồn tiền mặt và đầu tư ngắn hạn của Công ty có đến 15.000 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, ông Phạm Thứ Triệu, chuyên gia Tài chính Doanh nghiệp, lại nghi ngờ rằng, có thể MSN đã đạt được những quyền lực nhất định tại TAC. Bằng chứng là trong Đại hội Cổ đông vừa qua, phần lớn nhân sự trong Hội đồng Quản trị TAC đã được thay mới, kể cả Chủ tịch. Trong danh sách này có những gương mặt chưa từng có trong Ban quản trị.

 

Theo Ngọc Dương

NCĐT