Masan Consumer tăng tốc trước thềm IPO 2025
(Dân trí) - Năm 2024, một năm thắng lợi của cổ đông Masan Consumer với giá cổ phiếu tăng hơn 250%, cổ tức cao và kế hoạch IPO với nhiều điểm sáng.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MCH của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) tăng hơn 250%, hiện dao động quanh vùng giá 230.000 đồng/cổ phiếu.
Theo một báo cáo của HSBC, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Kể từ năm 2017 đến năm 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần tốc độ thị trường chung.
Báo cáo phân tích của SSI Research cho biết tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của MCH lần lượt là 11,2%, 15,4% giai đoạn 2019-2023. SSI Research cho rằng những kết quả này là nhờ hoạt động tích cực đổi mới sản phẩm của nhóm nghiên cứu nội bộ, nhu cầu ổn định và mức tăng thị phần vững chắc.
Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong doanh thu thực phẩm tiện lợi của MCH là 16%. Mức này cao hơn so với CAGR giá trị thị trường mỳ gói nói chung là 7% giai đoạn 2017-2023, theo Euromonitor.
Động lực tăng trưởng đến từ chiến lược cao cấp hóa
Với mối quan hệ mật thiết với 340.000 đối tác bán lẻ truyền thống, 6.000 điểm bán thương mại hiện đại và 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm trên 2.000 tỷ đồng, Masan Consumer đã thâm nhập gần như mọi ngóc ngách của thị trường Việt Nam, phục vụ 98% hộ gia đình Việt.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Masan Consumer ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số cả về doanh thu, lợi nhuận. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý III và 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt tăng 14,5%, đạt 2.072 tỷ đồng và tăng 13,8%, đạt 5.474 tỷ đồng.
Theo đó, mức tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu Masan Consumer được dẫn dắt bởi chiến lược cao cấp hóa cho các ngành hàng quy mô lớn như gia vị và thực phẩm tiện lợi. Bên cạnh đó, các sáng kiến sản phẩm mới lại là chất xúc tác tăng trưởng chính cho ngành hàng đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC).
9 tháng đầu năm, các dòng sản phẩm này mang về 1.518 tỷ đồng, đóng góp 7% vào tổng doanh thu của MCH. Mức này tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Với dòng sản phẩm mới, công ty lên kế hoạch mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mỳ ăn liền lên 17 tỷ USD trong lĩnh vực thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR).
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, cao cấp hóa là chiến lược dài hạn của Masan Consumer, giúp mở rộng thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), từ gia vị đến thực phẩm. Đây cũng là cách để Masan Consumer tối ưu lãi gộp khi nhóm này tạo ra lợi nhuận khả quan.
Thực tế, doanh số dòng sản phẩm Omachi, đại diện cho phân khúc cao cấp, tăng 24% trong quý III và chiếm gần 50% tổng doanh thu của ngành hàng thực phẩm tiện lợi. Theo ban lãnh đạo MCH, điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng cao cấp của người tiêu dùng Việt ngày càng mở rộng.
Niêm yết trên HoSE vào năm 2025
Đại diện Masan Consumer cho biết công ty dự kiến niêm yết trên HoSE trong năm 2025.
Về kế hoạch này, theo nhận định của HSBC, việc chuyển sang niêm yết trên HoSE có thể giúp cổ phiếu MCH cải thiện tính thanh khoản, phù hợp năng lực mà công ty đạt được. Năng lực được nhắc đến chính là lịch sử kinh doanh ổn định với mức tăng trưởng cao, vượt trội đáng kể so với các công ty cùng ngành FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.
Hiện nhiều quỹ đầu tư lớn đang nắm giữ cổ phiếu MCH như quỹ Albizia Asean Tenggara Fund sở hữu 3,8 triệu cổ phiếu; Chứng khoán Vietcap nắm 2,7 triệu cổ phiếu và quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust có hơn 1,04 triệu cổ phiếu.
Việc IPO Masan Consumer thành công cũng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao định giá của các cổ phiếu họ Masan như MCH, MSN.
Liên tục chia cổ tức cao
Mới đây, Masan Consumer thông báo ngày 20/12 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 95% bằng tiền (1 cổ phiếu nhận 9.500 đồng).
Như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ vào 19/12. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 30/12. Với 724,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan Consumer sẽ chi hơn 6.884 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này.
Trước đó, Masan Consumer chi khoảng 19.000 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ lên đến 268%. Số cổ tức trên được chi thành 3 đợt. Cụ thể, vào đợt tháng 9, công ty đã trả cổ tức năm 2023 (bổ sung) bằng tiền mặt với tỷ lệ 168%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 16.800 đồng). Công ty cũng đã tạm ứng 3.224 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 45% vào tháng 8/2023 và 3.946 tỷ đồng, tương ứng 55% vào tháng 7/2024.
Tổng mức cổ tức năm 2023 cổ đông nhận được từ Masan Consumer là 268% với tổng số tiền là 19.225 tỷ đồng, ghi nhận mức chi mạnh tay nhất cho cổ đông kể từ khi lên sàn. Việc liên tục chia cổ tức tiền mặt thể hiện sự tăng trưởng và khả năng sinh lời bền vững của doanh nghiệp, đồng thời gia tăng lợi ích cho cổ đông.