Mark Zuckerberg: “Chúng tôi không bán dữ liệu của người dùng”
(Dân trí) - Đồng sáng lập và giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg đã có lập luận mới để bảo vệ công ty của mình vào ngày 24/1 vừa qua khi cho rằng việc nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên sở thích khác với việc bán dữ liệu người dùng.
“Nếu chúng tôi cam kết phục vụ tất cả mọi người, thì chúng tôi phải có một dịch vụ phù hợp với tất cả mọi người. Và cách tốt nhất để làm điều đó là cung cấp dịch vụ miễn phí, quảng cáo cho phép chúng tôi làm thế”, Zuckerberg nói trong một bài viết được đăng trên tờ Wall Street Journal.
Năm 2018 là một năm khủng khiếp đối với Facebook khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này dính một loạt bê bối về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư và những lo ngại rằng nó đã bị các nhóm lợi ích nước ngoài thao túng vì mục đích chính trị.
Tuy nhiên, bất chấp những vụ bê bối này, doanh thu và số lượng người dùng của Facebook vẫn tiếp tục tăng.
“Khiến cho quảng cáo có liên quan và ít gây phiền nhiễu hơn cũng liên quan đến việc hiểu về sở thích của người dùng”, Zuckerberg nói thêm.
Cụ thể, Facebook sử dụng các thông tin ví dụ như các trang mà người dùng bấm “thích” , hoặc những gì họ chia sẻ về bản thân để nhắm mục tiêu quảng cáo.
“Đôi khi, điều này có nghĩa là mọi người đổ oan cho chúng tôi làm những việc mà chúng tôi không hề làm”, Zuckerberg nói về những quảng cáo được nhắm mục tiêu trên mạng xã hội.
“Ví dụ như chúng tôi không bán dữ liệu của người dùng, mặc dù họ tố cáo rằng chúng tôi làm”, Zuckerberg khẳng định.
Việc bán dữ liệu người dùng sẽ không chỉ làm suy yếu niềm tin thiết yếu vào mạng xã hội, nó còn đi ngược lại lợi ích kinh doanh của Facebook bởi vì các đối thủ có thể sử dụng nó để cạnh tranh quảng cáo, ông chủ Facebook lý luận.
Facebook cũng cung cấp cho người dùng các công cụ liên quan đến thông tin được sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo và cho phép họ chặn các nhà quảng cáo, Zuckerberg chỉ ra thêm.
Hơn nữa, Facebook còn bị chỉ trích là một trang mạng xã hội đang được sử dụng như một nền tảng để truyền bá thông tin gây chia rẽ hoặc gây hiểu lầm, như trường hợp trong cuộc bầu cử năm 2016 đã đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng.
“Một câu hỏi khác là, liệu chúng tôi có để lại nội dung gây hại hoặc gây chia rẽ không thì câu trả lời là chúng tôi không hề”, Zuckerberg khẳng định.
Facebook đã và đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và tuyển dụng thêm nhân viên để tìm ra nội dung vi phạm các quy tắc của mạng xã hội.
Chi phí cho việc này có thể cân nhắc trên thu nhập hàng quý của Facebook, dự kiến sẽ công bố vào tuần tới.
“Lý do duy nhất khiến những bài viết có nội dung xấu vẫn còn là do con người và hệ thống trí tuệ nhân tạo mà chúng ta sử dụng để đánh giá nó không được hoàn hảo, chứ không phải vì chúng tôi có động cơ để bỏ qua nó”, Zuckerberg nói thêm.
Hồng Vân (Tổng hợp)