“Ma trận” cốc giấy không nguồn gốc
Cốc giấy được hét giá ngất ngưởng tại các chợ nhưng không nguồn gốc xuất xứ, không hướng dẫn sử dụng. Thậm chí, người bán hàng tỏ ra ngô nghê trước thông tin có 2 loại cốc giấy dùng cho nóng và lạnh.
Khảo sát một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, phố Nguyễn Thiệp, Hàng Chiếu, chợ Hôm..., nhiều gian hàng bày bán các loại cốc giấy với đủ màu sắc, kiểu dáng đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Qua tìm hiểu, giá thành của các loại cốc giấy trung bình từ 10.000-15.000 đồng/chục, loại nhỏ nhất có giá 6.500 đồng/chục.
Các cửa hàng bán cốc giấy đều đóng lô 20 hoặc 50 cốc trong những chiếc túi mỏng, màu đục, nhàu nhĩ. Các lô cốc giấy này đều “trắng” thông tin nhà sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ. Khi được hỏi, phần lớn chủ hàng đều khẳng định cốc giấy được sản xuất tại các công ty uy tín lớn, đảm bảo chất lượng tại Việt Nam, tuy nhiên tìm mỏi mắt cũng không thấy bất kỳ một thông tin nào chứng minh điều đó.
Chị Linh (Long Biên, Hà Nội) bần thần cầm trên tay lô cốc giấy màu trắng đục, li ti hạt sạn, bày tỏ: “Đứng trước cả rừng cốc giấy, mình thật khó lựa chọn. Nhóm mình chuẩn bị đi du lịch một tuần, muốn mua cốc dùng cho tiện lợi nhưng khó chọn quá! Bạn bè thì mách là cứ tìm tên nhà sản xuất mà mua, nhưng đi nãy giờ có thấy nhãn mác gì đâu”.
Tiết lộ với PV, chủ một gian hàng trên phố Hàng Chiếu cho hay cốc giấy dùng một lần nên ít người hỏi nguồn gốc, khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả, càng rẻ hàng càng “chạy”.
Không biết cốc nóng và cốc lạnh
Dạo quanh chợ Đồng Xuân, chúng tôi hỏi mua cốc giấy uống đồ nóng, người bán hàng lắc đầu, khẳng định không có cốc dùng riêng. Chị quả quyết: “Chị chưa thấy khách nào đòi mua cốc nóng như em. Người ta chỉ mua cốc dựa trên giá tiền và mẫu mã thôi”. Theo chị này, cốc giấy loại xịn nhất trong cửa hàng có giá 15.000 đồng/chục, với giá đó cốc giấy chắc chắn sẽ sử dụng được cho cả nước nóng và lạnh.
Khảo sát thêm một vài gian hàng xung quanh, những người bán hàng đều tỏ ra bất ngờ về việc tồn tại hai loại cốc giấy dùng cho uống nóng và uống lạnh. Họ khẳng định, khách hàng của họ chưa từng một lần yêu cầu mua riêng cốc nóng, cốc lạnh.
Cốc giấy không nguồn gốc, không nhãn mác bày bán nhiều tại các chợ Hà Nội.
Tại một điểm café take-way trên phố cổ, anh Tùng - chủ quán - lại tỏ ra khá rành rẽ khi phân biệt cốc nóng và cốc lạnh. Theo anh này, cốc lạnh để đựng những đồ uống lạnh nên thường có tráng một lớp sáp bên trong để giữ cho giấy khỏi bị ẩm và bị mủn khi gặp nước. Cốc nóng được thiết kế để đựng những đồ uống nóng như cà phê, trà hay sôcôla, được tráng một lớp nhựa chống thấm bên ngoài cốc.
“Nếu không phân biệt cốc nóng và cốc lạnh thì khả năng gây nguy hiểm cho khách hàng là rất cao. Không nên đưa café nóng vào cốc lạnh”, anh Tùng cho biết.
Từng trả lời trên báo chí, PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) nói rằng khi sản xuất cốc, đĩa giấy, nhà sản xuất phải phủ chất chống thấm bằng paraphin (nến, sáp ong) để đồ giấy không bị mủn, thấm nước. Chất này rất rẻ (thường dùng để sản xuất bao bì truyền thống gói thực phẩm), được tráng một màng rất mỏng mặt trong, rồi mới cho vào máy dập thành cốc, đĩa, bát giấy để chống thấm.
Vì vậy, sử dụng chúng đựng thức ăn khô, lạnh khá an toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng để đựng đồ nóng, nước sôi sùng sục thì cần phải thận trọng. Với sản phẩm cốc, đĩa giấy bình thường, PGS Thịnh khuyến cáo chỉ nên sử dụng ở nhiệt độ khoảng 40 độ C. Riêng những sản phẩm cốc, đĩa giấy ghi rõ có khả năng đựng được đồ ăn nóng thì cũng không nên đựng đồ nóng quá 70 độ C, vì lớp màng chống thấm (được trộn phụ gia có sử dụng keo chứa melamin, phenol) có thể bị chảy ra, hòa tan ở nhiệt độ cao.
Theo Khổng Chiêm
VEF