M2 và giấc mơ ra biển lớn

(Dân trí) - Xây dựng thương hiệu, bảo vệ và phát triển thương hiệu ở thị trường trong nước, xa hơn là vươn ra thế giới luôn là trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, M2 đã có chiến lược riêng định hình thương hiệu tại thị trường trong nước và mạnh dạn đầu tư để có thể đưa sản phẩm ra thế giới.


Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường (ngoài cùng bên phải) và Giám đốc kinh doanh Phạm Minh Đức tri ân 10 nhà cung cấp tiêu biểu dịp kỷ niệm 18 năm thành lập

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường (ngoài cùng bên phải) và Giám đốc kinh doanh Phạm Minh Đức tri ân 10 nhà cung cấp tiêu biểu dịp kỷ niệm 18 năm thành lập

Dấu ấn riêng

Tạo dấu ấn riêng và vươn ra xuất khẩu mạnh mẽ, có không ít doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng chuỗi sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ những “mét vuông” đầu tiên vào năm 2000, đến nay, Công ty CP M2 Việt Nam đã xây dựng hệ thống Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2 với 15 trung tâm thời trang tại Hà Nội và 3 trung tâm khác tại: TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Thanh Hóa, Moscow (Liên bang Nga). Không chỉ từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu hệ thống các "Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2" tại thị trường nội địa, Công ty M2 còn đang đẩy mạnh dựng xây, sản xuất dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng, chất lượng cao.


M2 Thanh Hóa

M2 Thanh Hóa

Điều gì giúp cho một doanh nghiệp non trẻ, nhưng lại có được sức cạnh tranh mạnh mẽ, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng? Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thương hiệu được xem như yếu tố sống còn với doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải song hành với nhau. Xây dựng thương hiệu phải đến từ việc mang lại chất lượng hoàn hảo nhất cho khách hàng. Ngược lại, có sản phẩm tốt mà không biết làm thương hiệu thì cũng sẽ không thể chiến thắng được trên thương trường...

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam cho biết, trong kế hoạch, đến giữa năm 2021, M2 dự kiến sẽ có tối thiểu 30 điểm bán hàng mang thương hiệu “Thời trang M2”, các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất.

Bệ phóng để xuất khẩu

Không dừng lại đó, M2 cũng chỉ cả trăm tỷ đồng để đầu tư Nhà máy M2 Factory tại Hải Phòng (giai đoạn 1 sắp hoàn thành) để cho ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của M2. Dự kiến, trong tương lai gần, Nhà máy M2 Factory sẽ được đưa vào hoạt động với mong muốn đáp ứng một số lượng hàng nhất định cho M2, tạo ra chuỗi thương hiệu riêng thuộc Công ty M2, tiến tới là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu chất lượng ra thị trường quốc tế.

Hình thành và phát triển được 18 năm, hệ thống các "Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2" (thuộc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam) đã trở nên khá phổ biến, quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là người dân tại Hà Nội. Đáng chú ý, mạng lưới cửa hàng của M2 đều được đặt ở các vị trí trung tâm với diện tích mặt sàn hàng nghìn m2 nhằm tiếp cận, phục vụ nhu cầu của khách hàng nhanh chóng và tiện lợi nhất.


Khách hàng lựa chọn sản phẩm ở một cửa hàng M2

Khách hàng lựa chọn sản phẩm ở một cửa hàng M2

Theo ông Nguyễn Hải Đường, nhận định chất lượng sẽ làm nên thương hiệu của doanh nghiệp, nên để nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi thường xuyên xem xét lại năng lực của các nhà cung cấp, chọn là bạn đồng hành với nhà cung cấp có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, mức giá cạnh tranh. Chuỗi liên kết chính là sức mạnh giúp doanh nghiệp vững bước, định vị sản phẩm ở thị trường nước ngoài.

Chia sẻ về mục tiêu xuất khẩu, ông Đường cho hay, thị trường xuất khẩu trước mắt mà M2 hướng tới và đẩy mạnh là Liên bang Nga. “Có thể, XK chỉ bắt đầu từ những đơn hàng vài tỷ đồng, sau đó mới tính đến những hợp đồng lớn hơn tại những thị trường được nghiên cứu kỹ hơn về chiến lược kinh doanh", ông Đường nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Tổng công ty May Nhà Bè, nhà cung cấp tiêu biểu các sản phẩm cho M2, May Nhà Bè đang sản xuất cho nhiều đơn vị lớn, điển hình như Zara và hướng tới xuất khẩu. "Tuy nhiên, chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để phục vụ nhu cầu trong nước, chọn đối tác để đồng hành. Chúng tôi đã chọn M2 để đồng hành, tạo kênh phân phối nhằm chuyển tải sản phẩm thời trang chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế tới người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu", đại diện Tổng công ty này nói.

Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt chưa thấy hết được giá trị của thương hiệu và chưa đầu tư một cách hợp lý cho thương hiệu của chính doanh nghiệp mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu xuất phát từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ đến tay người dùng là một cách làm bền vững hơn cả...

Hà Anh