Lý Quang Diệu và phép màu kinh tế tại Singapore

(Dân trí) - Trong vòng 50 năm kể từ sau khi giành độc lập, GDP bình quân đầu người của Singapore tăng hơn 100 lần, sánh ngang các nước phát triển phương Tây. Sự bứt phá kỳ diệu của đảo quốc sư tử chính là minh chứng rõ ràng cho tài lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu.

Có lẽ ít ai có thể phủ nhận những thành công ông Lý đạt được tại Singapore là một phép màu về kinh tế. Thành công này, cùng với mục đích rõ ràng và cá tính nổi bật của ông, đã ảnh hưởng tới hướng đi của nhiều “gã khổng lồ” châu Á.

Ông Lý Quang Diệu (áo đen) trong lần thị sát sảnh số 3 sân bay Changi (Ảnh: Media Corp)
Ông Lý Quang Diệu (áo đen) trong lần thị sát sảnh số 3 sân bay Changi (Ảnh: Media Corp)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Điện, xăng tăng giá ngáng đường hạ lãi suất

* Xây dựng sân bay Long Thành: “Không thể tìm ra phương án nào tốt hơn”

* Chi tiết hàng loạt sự thật như Dung Quất

* USD mất giá, EUR tăng giá: Ai chịu thiệt, ai hưởng lợi?

* Việt Nam sẽ trở thành "con hổ" của nền kinh tế châu Á

* Nhập siêu gần 2 tỉ USD quý I/2015

Trong giai đoạn 1960 – 2011, thu nhập bình quân đầu người của Singapore đã tăng hơn 100 lần, và hiện đã vượt 55.000 USD/người/năm. Quốc đảo này giờ là một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, một thành phố xanh và sạch lạ kỳ, và nổi tiếng với luật pháp chặt chẽ cùng thị trường rộng mở.

Tầm nhìn xuất chúng của ông Lý được thể hiện ở sự thừa nhận từ rất sớm rằng, Singapore, sau khi tách khỏi liên bang Malaysia năm 1965, phải có cái nhìn vượt xa khỏi các nước láng giềng, và xuất khẩu những mặt hàng chất lượng cao sang các nền kinh tế phương Tây và Nhật Bản.

Cùng với những nước được gọi là “con hổ châu Á” khác, Singapore đã tập trung vào chấn chỉnh và củng cố các yếu tố nền tảng của kinh tế: khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, duy trì lạm phát và thuế ở mức thấp, giữ ổn định tiền tệ và đặc biệt chú trọng giáo dục chất lượng cao. Và ngày nay, những điều này được xem như sự thông thái được chấp nhận rộng rãi.

Các nguyên lý cốt lõi được ông Lý thực thi - gồm chú trọng vào một chính phủ trong sạch, hiệu quả, các chính sách kinh tế thân thiện với doanh nghiệp và đảm bảo trật tự xã hội – đã giúp thu hút một lượng khổng lồ đầu tư nước ngoài cùng rất nhiều doanh nghiệp lớn bậc nhất thế giới tới Singapore, sau khi ông trở thành thủ tướng năm 1959.

Nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia khác sau đó đã sao chép mô hình của ông Lý, một số đã thành công, nhưng thường phải bỏ dở giữa chừng do thất bại trong kiềm chế tham nhũng, hoặc đất nước họ đơn giản là quá lớn để có thể quản lý một cách dễ dàng như Singapore.

Dự án sân bay Changi

Là một nhà lãnh đạo rất trọng dụng người tài, không ngừng đối thoại với các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp, nhưng hiếm khi ông Lý bị lung lạc bởi những ý kiến trái chiều một khi ông đã tin rằng một điều gì đó là tốt nhất cho tương lai lâu dài của Singapore. Dự án sân bay Changi chính là một trong những minh chứng rõ nét cho điều này.

Đầu những năm 1970, khi Singapore muốn mở rộng sân bay, một hãng tư vấn của Anh đề xuất xây đường băng thứ hai tại sân bay Paya Lebar hiện có, bởi nó sẽ giúp giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Mặc dù nội các Singapore đã chấp thuận đề xuất này, ông Lý vẫn đề nghị các nhà tư vấn Mỹ đánh giá lại, sau đó tiếp tục cho một ủy ban gồm các quan chức cấp cao nghiên cứu thêm tính khả thi của việc chuyển đổi sân bay quân sự tại Changi thành sân bay thương mại. Cả hai nhóm tư vấn này tiếp tục khẳng định nên mở rộng Paya Lebar.

Dù vậy, ông Lý vẫn không chắc liệu có khôn ngoan không, hoặc có bền vững cho Singapore về lâu dài không nếu quyết định mở rộng Paya Lebar, khi ông nhớ lại những lần công tác qua sân bay Logan ở Boston, Mỹ.

“Tôi đã bay qua sân bay Logan ở Boston và thấy rõ dấu vết tiếng ồn của các máy bay cất và hạ cánh tạo ra trên mặt nước. Một đường băng nữa tại Paya Lebar sẽ đưa các máy bay vào giữa trung tâm Singapore…Chúng ta sẽ phải hứng chịu ô nhiễm tiếng ồn trong rất nhiều năm”, ông Lý nhớ lại.

Ông Lý Quang Diệu (áo đen) trong lần thị sát sảnh số 3 sân bay Changi (Ảnh: Media Corp)
Từng quyết liệt phản đối cấp phép casino tại Singapore, nhưng ông Lý đã không ngần ngại thay đổi khi thực tế đòi hỏi (Ảnh: ST)

Quyết không từ bỏ lựa chọn sân bay Changi, ông Lý sau đó đã chỉ định chủ tịch Cơ quan quản lý cảng Singapore, ông Howe Yoon Chong làm chủ tịch một ủy ban cấp cao để tái thẩm định lần cuối. Kết quả được đưa ra Changi là lựa chọn khả thi.

Và năm 1975, bất chấp cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra năm 1973 và tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á bất ổn, ông Lý vẫn nhất quyết “đánh cược 1 tỷ đôla Singapore” thời điểm đó cho dự án sân bay mới Changi, phá dỡ hàng loạt tòa nhà, di dời hàng nghìn ngôi mộ, san lấp nhiều đầm lầy và thậm chí đổ đất lấn ra biển để hoàn tất dự án trong vòng 6 năm thay vì kế hoạch 10 năm trước đó.

Và ngày nay, “canh bạc” đó đã đem lại khoản lời lớn cho Singapore, biến nơi đây trở thành một đầu mối thiết yếu về du lịch, hàng không và kinh tế trong khu vực.

“Liệu nó có tốt cho chúng ta không?”

Cách ông Lý đã khiến “điều kỳ diệu Singapore” thành hiện thực gắn liền với những ví dụ như dự án Changi, khi cách tiếp cận đầy tính thực dụng đi đôi với tầm nhìn dài hạn trong việc triển khai các giải pháp ông tin là sẽ khiến Singapore phát triển, cho dù nó đi ngược lại những gì được coi như xu thế chung.

“Trong tình huống của một quốc gia đang phát triển, bạn cần một nhà lãnh đạo…người không chỉ hiểu những lập luận thông thường về nên hay không nên, mà là người sau cùng sẽ nói “liệu nó có hiệu quả không trong tình cảnh của chúng ta? Đừng bận tâm đến những gì người Anh, người Mỹ hay người New Zealand làm. Đây là Singapore. Liệu cách làm đó có phát huy tác dụng trong tình hình hiện nay không?” ông Lý nói.

Ngay từ những năm đầu lãnh đạo, trong khi nhiều nước có chung nhìn nhận các tập đoàn đa quốc gia là những kẻ bóc lột tương tự như những kẻ thực dân, chỉ tìm cách bòn rút nguyên liệu thô, nhân công và đất đai giá rẻ của các quốc gia đang phát triển, ông Lý – dựa trên sự cố vấn của tiến sỹ kinh tế người Hà Lan Albert Winsemius – đã tích cực thu hút đầu tư nước ngoài với một chính sách kinh tế tự do, đi kèm các ưu đãi thuế và khuyến khích về tài khóa.

Từ kiến giải “bài học thực tế về cách vận hành của các công ty Mỹ và châu Âu” của ông Winsemius, ông Lý đã nhìn ra cách thức “Singapore thâm nhập vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, dựa vào mong muốn tìm kiếm lợi nhuận” của các tập đoàn này.

“Câu hỏi khi đó là chúng ta sẽ kiếm sống ra sao? Phải tồn tại như thế nào. Đó không phải là vấn đề lý thuyết kinh tế học phát triển. Đó là vấn đề sống còn của 2 triệu người”, ông Lý giải thích.

“Nếu có một công thức cho thành công của chúng ta, thì đó là không ngừng tìm hiểu xem làm thế nào để khiến mọi thứ hoạt động, hoặc làm sao để khiến chúng vận hành tốt hơn…Điều đã luôn dẫn dắt tôi đó là lí lẽ và thực tế. Thuốc thử tôi áp dụng cho mọi lý thuyết hoặc mô hình đó là, liệu nó có hiệu quả không? Đây là sợi chỉ vàng xuyên suốt những năm tôi nắm quyền”.

“Không ngừng đổi mới” và hãy “leo lên vai người khổng lồ”

Sống một cách thực tế không có nghĩa là để mặc cho số phận hoặc làm việc một cách “an toàn”. Trái lại, ông Lý là người luôn chú trọng vào sự đổi mới và biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc có thể không thành công nhưng “điều thiết yếu đó là: Đừng sợ đổi mới”.

Peter Ho, cựu lãnh đạo cơ quan Dịch vụ xã hội cho biết, rất nhiều trong những bước bứt phá của Singapore những năm đầu giống như “định mệnh”.

“Mọi thứ tại Singapore đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng hết mức, để không có điều gì có thể làm hỏng một kế hoạch, còn chính phủ luôn vận hành với giả định sẵn sàng cho mọi trục trặc”, ông Ho nói.

“Cảng container đầu tiên tại Tanjong Pagar từng là một rủi ro lớn, bởi khi đó container vẫn chưa phải một phương thức vận chuyển được kiểm chứng. Nhưng Lý Quang Diệu đã trao cho ông Howe Yoon Chong, người khi đó là chủ tịch Cơ quan quản lý cảng, đủ thẩm quyền để triển khai Tanjong Pagar”.

Và chính “sự sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ đã giúp sinh sôi một thế hệ các doanh nghiệp quốc gia, với những thương hiệu đã trở thành biểu tượng như Singapore Airlines, DBS, ST Engineering, Changi Airport, Singtel…Chương trình tin học hóa chính phủ cũng là một ví dụ khác, khi nó khởi đầu tại Bộ quốc phòng, và đã khiến cả Singapore chuyển mình”.

Ông Lý cũng đồng thời là người luôn tìm kiếm các giải pháp cho Singapore bằng cách rút ra bài học từ kinh nghiệm của các nước và tư vấn của các chuyên gia. Câu nói được ông nhiều lần lặp lại đó là không cần phải tái phát minh ra bánh xe.

Chính từ những quan sát và học hỏi, ông Lý đã đưa ra và luật hóa nhiều biện pháp chống ô nhiễm môi trường. Ông quyết định “đẩy” các nhà xưởng ra xa khu dân cư sau khi nhìn thấy những vấn đề Nhật Bản đối mặt do ô nhiễm và căn bệnh Minamata đầu những năm 1970.

“Tôi thích leo lên vai những người đã đi trước chúng ta”, ông Lý khẳng định.

Là người cứng rắn trong lãnh đạo, nhưng ông Lý cũng không ít lần cho thấy sự linh hoạt trước những thay đổi của thị trường, nhất là trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Trong nhiều năm trước khủng hoảng tài chính châu Á, 1997 – 1998, ông Lý tin rằng việc quản lý chặt hệ thống tài chính và bảo vệ các ngân hàng trong nước là cần thiết. Nhưng đến năm 1999, trên cương vị Bộ trưởng cấp cao, ông đã tư vấn cho thủ tướng Goh Chok Tong khi đó đưa ra một loạt thay đổi chính sách, và cải tổ Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS).

Ông tin rằng ngân hàng điện tử và Internet là những yếu tố khiến ngành tài chính phải thay đổi. “Nếu chính phủ tiếp tục vận hành như tôi đã làm 30 năm qua, bảo vệ các ngân hàng nội địa và khiến họ phát triển, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối. Chúng ta đang là nơi quy tụ 200 ngân hàng lớn nhất và cạnh tranh nhất thế giới. Trừ phi chúng ta nâng mình lên một tầm có thể cạnh tranh, chúng ta sẽ giống như New Zealand, nơi toàn bộ ngân hàng trong nước bị nước ngoài kiểm soát và sở hữu”.

“Nếu ông Lý không thúc đẩy những đổi mới cuối những năm 1990 và tìm cách biến thách thức thành cơ hội, chúng tôi đã không trở thành một trung tâm tài chính mạnh như ngày nay. Việc chuẩn bị cho chúng tôi sẵn sàng mở cửa hệ thống tài chính ngay khi một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất diễn ra, theo tôi, là hành động của người có tầm nhìn xa và dũng cảm”, Heng Swee Keat cựu giám đốc điều hành MAS khẳng định.

Vị cố thủ tướng Singapore cũng là người đã “bật đèn xanh” cho việc mở casino tại Singapore, dù từng tuyên bố sẽ chỉ chấp thuận “một khi bước qua xác tôi”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times năm 2007, ông cho biết: “Tôi không thích casino, nhưng thế giới đã thay đổi và nếu chúng ta không có một khu nghỉ dưỡng tích hợp như tại Las Vegas, chúng tôi sẽ thua. Do đó, hãy triển khai. Hãy thử nghiệm nhưng vẫn cố gắng giữ nó an toàn, không dính tới mafia, không mại dâm và không rửa tiền. Liệu chúng tôi có thể làm được không? Tôi không chắc nhưng chúng tôi sẽ thử xem sao.”

Thanh Tùng
Tổng hợp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”