Lý do UNIQLO liên tục mở cửa hàng tại Việt Nam

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong 5 năm, UNIQLO đã có 26 cửa hàng tại Việt Nam, mở rộng nhanh chóng nhờ vào triết lý LifeWear và sự lắng nghe nhu cầu khách hàng trong thị trường đầy cạnh tranh.

Kể từ thời điểm khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) vào tháng 12/2019, UNIQLO đã nhanh chóng phủ sóng tại các tỉnh thành lớn, trải dài khắp cả nước và cả kênh bán hàng trực tuyến.

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng suốt thời gian qua, UNIQLO trở thành một trong số ít thương hiệu thời trang ngoại chiếm được thiện cảm từ đông đảo người tiêu dùng.

Tăng trưởng ngoạn mục

Nhìn lại những ngày đầu đặt chân vào Việt Nam, UNIQLO từng gặp khó khăn trong việc tìm mặt bằng phù hợp vì giá thuê cao, trong khi tiêu chí của hãng là các vị trí đắc địa với diện tích lớn.

UNIQLO gia nhập thị trường đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Khi đại dịch lắng xuống, ngành thời trang tiếp tục chịu sức ép từ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Nhiều thương hiệu buộc phải cắt giảm chi phí, thu hẹp quy mô, chuyển sang kinh doanh trực tuyến, thậm chí tuyên bố đóng cửa.

Chính ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam, cũng thừa nhận thị trường thời trang tại Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt và không dễ dàng để tồn tại trên thị trường này.

"Tuy nhiên, với sự kiên định và nỗ lực theo đuổi những triết lý LifeWear trong suốt những năm qua, công ty đã luôn nỗ lực phát triển cửa hàng", ông Nishida Hideki nói.

Lý do UNIQLO liên tục mở cửa hàng tại Việt Nam - 1

Mức độ nhận diện, yêu thích của UNIQLO sau 5 năm tại Việt Nam được đánh giá là ấn tượng (Ảnh: UNIQLO).

Ông cũng nhấn mạnh việc mở thêm cửa hàng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đưa các sản phẩm LifeWear của UNIQLO đến gần hơn với mọi đối tượng người tiêu dùng trên khắp các vùng miền.

Thực tế, không chỉ dừng lại ở TPHCM, Hà Nội, hãng còn liên tục vươn mình ra các thành phố mới. Trong thời gian tới, UNIQLO dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên tại Biên Hòa (Đồng Nai), đồng thời công bố kế hoạch tiến ra miền Trung với cửa hàng đầu tiên đặt tại Huế vào năm 2025, đưa hệ thống cửa hàng bán lẻ trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi cửa hàng đều có quy mô cả nghìn m2.

Chị Thảo Nguyên (33 tuổi), người gốc Huế hiện sống tại TPHCM, không giấu được niềm háo hức khi nghe tin này. Từ khi UNIQLO có mặt tại Việt Nam, mỗi dịp Tết về quê, chị luôn dành thời gian chọn mua đồ của hãng cho cả gia đình.

"Các sản phẩm của UNIQLO không chỉ bền, thoải mái mà còn dễ phối và không lỗi mốt. Cả nhà tôi, từ chồng, con đến bố mẹ, đều yêu thích. Mỗi lần tôi về quê, ai cũng háo hức gửi danh sách nhờ mua. Khi Uniqlo chính thức mở tại Huế, gia đình tôi chắc chắn sẽ trở thành khách hàng đầu tiên", chị chia sẻ.

Việt Nam là thị trường tiềm năng

Dù không công bố kết quả kinh doanh cụ thể tại Việt Nam, báo cáo năm tài chính 2024 kết thúc vào ngày 31/8 của Fast Retailing - công ty mẹ của UNIQLO - đã ghi nhận lợi nhuận kỷ lục hơn 500 tỷ yên (khoảng 3,3 tỷ USD). Trong đó, toàn thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Theo ông Nishida Hideki, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn với lượng người tiêu dùng trẻ, năng động và sáng tạo. Riêng với UNIQLO, ông vui mừng khi thấy thương hiệu được người Việt yêu thích. Chỉ tính riêng trên nền tảng trực tuyến qua ứng dụng UNIQLO, lượng người dùng hiện đã tăng 140% so với năm ngoái.

Cũng chính vì vậy, ông cho biết tập đoàn luôn sẵn sàng gia tăng đầu tư tại Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu để mọi người đều có thể tiếp cận và sở hữu sản phẩm UNIQLO. Đây cũng là lý do trong 5 năm qua, UNIQLO đã không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam.

Lý do UNIQLO liên tục mở cửa hàng tại Việt Nam - 2

Ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam (Ảnh: UNIQLO).

Dù liên tục mở rộng, UNIQLO vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh trên từng cửa hàng, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên bài bản và lắng nghe khách hàng.

Là nhân viên bán hàng tại hãng thời trang này trong 2 năm qua, chị Minh Tâm (24 tuổi, TPHCM) nhìn nhận việc đào tạo ở UNIQLO luôn được chú trọng, giúp nhân viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu.

Tổng giám đốc UNIQLO cho biết việc duy trì tương tác và ghi nhận ý kiến khách hàng không chỉ giúp hãng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, mà còn là cơ sở để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Với sự yêu mến của người tiêu dùng Việt Nam và những định hướng chiến lược rõ ràng của tập đoàn, UNIQLO sau 5 năm hiện diện đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Theo khảo sát từ Q&Me vào ngày 17-20/9, thương hiệu này chiếm 49% thiện cảm từ người tiêu dùng, dẫn đầu trong phân khúc thời trang.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh, từ 13% dân số hiện nay dự kiến sẽ đạt 26% vào năm 2026. Kết hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng phổ biến, điều này tạo thêm cơ hội lớn để UNIQLO tiếp tục phát triển và mở rộng tại Việt Nam.