1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lý do SSI liên tiếp phá vỡ kỷ lục huy động vốn quốc tế

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chứng khoán SSI vừa hoàn tất giải ngân hợp đồng 148 triệu USD (gần 3.400 tỷ đồng) từ nhóm định chế nước ngoài.

Thương vụ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi đây là hợp đồng có quy mô lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo chia sẻ của đại diện SSI. Điều gì khiến dòng vốn quốc tế ngày càng mạnh hơn vào công ty chứng khoán này?

Lý do SSI liên tiếp phá vỡ kỷ lục huy động vốn quốc tế - 1
SSI là công ty chứng khoán thường xuyên thu hút được dòng vốn tín chấp giá trị "khủng" từ các định chế tài chính nước ngoài.

Thông tin cụ thể về hợp đồng lần này, đơn vị đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taishin International Bank. Bộ phận hỗ trợ kết nối và thu xếp là Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư (IB) của SSI.

3 năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của chứng khoán Việt Nam, hoạt động huy động vốn quốc tế của các công ty chứng khoán cũng được đẩy mạnh. Giá trị hợp đồng giữa các công ty và đối tác quốc tế liên tục được nâng lên. Dòng vốn ngắn hạn này đã giải quyết nhu cầu vốn đột biến của thị trường, tâm điểm là giao dịch ký quỹ (margin).

Minh chứng rõ nét cho việc không ngừng nâng quy mô gọi vốn quốc tế là trường hợp Chứng khoán SSI. Công ty chứng khoán này huy động 55 triệu USD từ nhóm SinoPac trong năm 2019. Sang năm 2020, vốn tài trợ tiếp tục nâng lên 85 triệu USD từ nhóm UBOT. Tại thời điểm đó, hợp đồng này đánh dấu thương vụ tài trợ vốn nước ngoài lớn nhất trên thị trường. Sang năm 2021, nhóm UBOT và Fubon giải ngân 118 triệu USD.

Trước những diễn biến trên, một câu hỏi được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là điều gì khiến các tổ chức tài chính quốc tế tích cực rót vốn khủng vào các công ty chứng khoán lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo dõi hoạt động của đơn vị trong ngành chứng khoán sẽ thấy rằng "sân chơi" gọi vốn quốc tế mặc dù nhộn nhịp hơn trong 3 năm trở lại đây nhưng lại mang tính phân hóa mạnh. Lợi thế dường như đang thuộc về những vị thế dẫn đầu ngành như SSI, Bản Việt, HSC.

Chứng khoán đang là một trong những kênh đầu tư thời thượng khi thu hút hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch mở mới mỗi tháng. Thanh khoản mỗi ngày đứng top đầu trong khu vực Đông Nam Á. Điều này giúp các công ty lớn trong ngành được hưởng lợi không nhỏ.

Với những tiềm năng lớn như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức quan tâm đặc biệt. Khi đó, những công ty có mức vốn khủng, thị phần giao dịch dẫn đầu là điểm cộng khi được các định chế tài chính đưa lên bàn cân về quản trị rủi ro.

Đại diện SSI cho biết, tại ngày 31/3/2022, cho vay margin của SSI là 22.745 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu là 1,45 lần. Trong khi đó, nhiều công ty chứng khoán khác trong ngành đã chạm trần ngưỡng quy định là 2 lần.

Bên cạnh lợi thế về vốn, hiệu quả hoạt động cũng là một tiêu chí cần quan tâm. Mặc dù cho vay margin lên tới gần 1 tỷ USD, đại diện Chứng khoán SSI cho biết không phát sinh nợ xấu trong hoạt động ký quỹ trong năm vừa qua. Thu từ cho vay và phải thu với gần 1.600 tỷ đồng.

Về hiệu quả kinh doanh, trong năm 2021, Chứng khoán SSI ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 7.443 tỷ đồng và 2.696 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 70,4% và 114,6% so với năm 2020. Mức lợi nhuận này nằm trong nhóm dẫn đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông số tài chính, uy tín trên thị trường và lịch sử tín dụng cũng là khía cạnh đáng quan tâm trong các hợp đồng tín chấp.

Theo góc nhìn của một số chuyên gia trên thị trường, hợp đồng vốn quốc tế có ưu điểm về lãi suất giúp các công ty có chi phí đầu vào thấp hơn. Nhưng việc khẳng định được uy tín và chất lượng tín dụng với các định chế tài chính quốc tế giúp các công ty lớn dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn.

Union Bank of Taiwan (UBOT) là một đối tác quốc tế quen mặt của SSI khi lần thứ ba đứng vai trò đầu mối thu xếp khoản vay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm