Luật sư: Việc ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu rất nghiêm trọng

Việt Đức

(Dân trí) - Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định các chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiện tại hoàn toàn đủ sức răn đe.

Luật sư: "Vi phạm đã rõ như ban ngày"

Sáng 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra thông báo nhận được thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Ủy ban cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Điều hành Công ty luật ANVI, chuyên gia pháp lý về lĩnh vực kinh tế, tài chính, khẳng định, trường hợp Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu nói trên không cần biết là vô tình hay cố ý thì "vi phạm đã rõ như ban ngày". 

Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết có hành vi như vậy. Cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC. Thời điểm đó, số tiền ông Quyết thu về ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Còn với giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu vào hôm qua 10/1, tạm tính theo mức giá đóng cửa 21.150 đồng/cổ phiếu của FLC, ông Trịnh Văn Quyết thu khoảng gần 1.600 tỷ đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, ông Quyết đã vi phạm Điều 33 trong Nghị định 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch trong khi ông là chủ tịch HĐQT lẫn cổ đông lớn của FLC.

Luật sư: Việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu rất nghiêm trọng - 1

Khối lượng giao dịch cổ phiếu FLC tăng vọt trong ngày 10/1 khi ông Trịnh Văn Quyết bán ra gần 75 triệu đơn vị (Ảnh: TV).

Chế tài đủ sức răn đe?

Dưới góc độ pháp lý, ông Đức phân tích, trường hợp vi phạm của ông Quyết có thể bị xử phạt theo cả 3 hình thức gồm xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả. 

Về phạt hành chính, quy định hiện hành phân chia ra nhiều khung tùy thuộc theo giá trị cổ phiếu giao dịch không tuân thủ việc công bố thông tin. Với việc bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC, trường hợp của ông Quyết nằm trong khung phạt tiền cao nhất 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa với cá nhân có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chỉ là 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động chào mua công khai, hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động văn phòng đại diện; hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn từ 1 đến 12 tháng.

Đặc biệt, CEO Công ty Luật ANVI nhấn mạnh vi phạm lần này của ông Quyết có thể bị buộc khắc phục hậu quả, khác so với lần bán chui cổ phiếu vào năm 2017. 

Luật sư: Việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu rất nghiêm trọng - 2

Ông Trịnh Văn Quyết từng bán phiếu FLC nhưng cũng không công bố thông tin dự kiến giao dịch vào năm 2017 (Ảnh: FT).

Nghị định 156/2020 quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối chiếu với trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, ông Đức phân tích, Chủ tịch tập đoàn FLC có thể phải thu hồi gần 75 triệu cổ phiếu đã bán ra và hoàn trả tiền cho những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của mình cùng với lãi suất không kỳ hạn. Thứ hai, ông Quyết có thể phải nộp lại số tiền thu lãi do hành vi vi phạm trên. 

Như vậy, nếu áp dụng cả hai hình thức xử phạt này, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định ông Quyết sẽ phải chịu thiệt hại lớn về hành vi bán gần 75 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin dự kiến giao dịch của mình. Còn việc hành vi bán chui cổ phiếu có dấu hiệu thao túng chứng khoán hay không còn phải xem xét.

"Mức phạt trước đây có thể chưa đủ vì thu lời vài trăm tỷ chỉ bị phạt vài trăm triệu nhưng cơ sở pháp lý hiện tại hoàn toàn đủ tính răn đe. Nếu làm nghiêm, buộc thu hồi chứng khoán, nộp lại số tiền bất hợp pháp không có lý do gì để cho rằng chế tài không nghiêm minh", ông Đức bình luận.

Luật sư Đức nhấn mạnh sự việc bán "chui" gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết rất nghiêm trọng. Vị luật sư này chia sẻ mong muốn các cơ quan Nhà nước phải xử lý đến nơi đến chốn không riêng trường hợp này mà cả những trường hợp vi phạm khác để thị trường chứng khoán thật sự minh bạch, trong sạch, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Theo ông, nếu không làm nghiêm, uy tín của thị trường chứng khoán sẽ càng đi xuống. 

Lãnh đạo VAFI: Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết phải mua lại cổ phiếu đã bán

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) - đánh giá, hành vi "bán chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết là "vi phạm pháp luật một cách trắng trợn" và đây không phải là lần đầu ông Quyết giao dịch "chui" cổ phiếu.

Ông Hải phân tích, do đây là bán "chui" nên không có hiệu lực về mặt pháp luật. Do đó, các khoản thu hồi bất chính (nếu có) phải bị thu hồi. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chỉ đạo công ty chứng khoán phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Quyết, theo ông Hải. 

Tổng Thư ký VAFI đánh giá, lần bán "chui" này của ông Trịnh Văn Quyết ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (nhà đầu tư F0), gây tổn hại đến niềm tin của thị trường. Luật Chứng khoán đã nghiêm cấm hành vi trục lợi, thu lợi bất chính từ chứng khoán. Theo đó, đại diện VAFI đề nghị cần có những chế tài nghiêm khắc hơn để những hành vi này không tái diễn nữa.

"Ông ấy bán bao nhiêu phải mua lại bấy nhiêu" - đại diện VAFI nêu quan điểm. Theo ông, tiếp đó, cơ quan quản lý cần tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cao hơn với hành vi bán "chui" cổ phiếu để răn đe. Vì nếu hành vi bán "chui' cổ phiếu mà chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đến trăm triệu đồng thì không thấm là bao so với những thiệt hại của thị trường và nhà đầu tư phải gánh chịu.

Mai Chi