Luật “sáu không” mười năm... vẫn thế!

(Dân trí) - Thực tế có tình trạng trong khi Luật doanh nghiệp “mở” thì các luật chuyên ngành khác lại “đóng” hay siết chặt bằng các loại giấy phép con hay những thủ tục phiền hà. Theo một số chuyên gia, bất cập này có sự tác động từ tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm…

Chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh

Ngày 30/11, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Anh và Bộ phát triển Quốc tế Anh đã chính thức công bố Báo cáo tổng hợp rà soát pháp luật kinh doanh, trong đó bao gồm những vấn đề đang gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo dựa trên những đánh giá cụ thể đối với 16 Luật là: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thương mại, Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật sở hữu trí tuệ, Luật quản lý thuế, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật kế toán, Luật hải quan, Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường và khoảng 200 văn bản hướng dẫn các Luật này.

Kết quả cho thấy, trong 16 Luật nói trên, có rất nhiều quy định, thủ tục không cần thiết, hoặc thiếu minh bạch, thậm chí gây cản trở, khó khăn cho việc thành lập doanh nghiệp, hiện thực hóa dự án đầu tư.

Các rào cản gia nhập thị trường, hạn chế quyền tự do kinh doanh xuất hiện với xu hướng ngày càng nhiều trong văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc các văn bản dưới luật về những lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cụ thể.

“Thực tế có tình trạng trong khi Luật doanh nghiệp “mở” thì các luật chuyên ngành lại “đóng” hoặc các luật của Quốc hội hay văn bản của Chính phủ thì quy định thông thoáng nhưng các cơ quan quản lý lại siết chặt lại bằng những loại giấy phép “con” hay bằng những thủ tục phiền hà không đáng có.” – báo cáo khẳng định.
 
Luật “sáu không” mười năm... vẫn thế! - 1
Doanh nghiệp cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai... do chính sách

Doanh nghiệp cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, nhân lực… do những rào cản như: chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa được cải thiện, gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi tiếp cận đất “sạch”; Hay như Luật đầu tư còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Rồi tình trạng chồng chéo, trùng lặp vẫn còn nhiều trong các đạo luật quan trọng như: Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật đấu thầu…

Theo thống kê, trong tổng số 683 quy định được phát hiện bất cập, có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa đạt tiêu chí hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, và 85 tiêu chí còn lại là thiếu tính khả thi.

Tư duy nhiệm kì

Rõ ràng, nhiều năm trở lại đây, chúng ta đã liên tục tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính song vẫn nảy sinh hàng loạt các bất cập, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Các điều tra từ chỉ số niềm tin doanh nghiệp gần đây vẫn chỉ ra doanh nghiêp gặp nhiều khó khăn hơn về các thủ tục hành chính, bị gây phiền hà và cản trở…

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn nhận xét,những năm gần đây, tư duy nhiệm kì và tư duy lợi ích nhóm đã có tác động nhất định vào việc soạn thảo luật, nghị định và rõ hơn là trong các thông tư.

Từ tư duy làm luật chưa được sáng tỏ cho nên dẫn đến tình trạng lùng nhùng trong việc soạn thảo các luật. Cách đây 10 năm chúng ta từng nói luật có 6 cái “không”: không thống nhất, không minh bạch, không công khai… đến bây giờ vẫn có ý nghĩa.

Một thực trạng cũng khá phổ biến là “tuổi thọ” của các đạo luật quá ngắn. Theo LS Trương Thanh Đức, trong số 16 đạo luật VCCI tiến hành rà soát, tồn tại lâu nhất là Luật Xây dựng và Luật Kế toán được 8 năm, còn lại là 3-6 năm đã thấy nhiều điểm bất cập đến mức phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí là đặt ra yêu cầu phải làm mới hoàn toàn như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ luật Dân sự, trong đó có nhiều luật đã ban hành lần thứ 2, lần thứ 3… Đây cũng là hạn chế đáng kể trong việc xây dựng luật pháp.

Tại buổi công bố báo cáo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết báo cáo này sẽ được trình lên các cơ quan nhà nước Báo cáo này sẽ được trình lên Quốc hội đề nghị xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các Bộ, ngành liên quan tham khảo, tiếp thu các kết quả rà soát, các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với Chính phủ.

Lan Hương