Lừa khách ngoạn mục bằng chiêu “khuyến mại sắp hết”

“Khuyến mại 2 ngày cuối”, “đại hạ giá 5 ngày để trả mặt bằng”…là những kiểu khuyến mại đang xuất hiện ngày càng nhiều. Thời hạn đưa ra khiến nhiều khách hàng vội vàng đi mua, nhưng sau đó mới vỡ lẽ rằng người bán có thể kiếm lợi rất nhiều “2 ngày cuối cùng” khác nhau.

Thay vì những quảng cáo chung chung giảm giá 30% - 50% hay khủng hơn là 70%, gần đây trên thị trường đã xuất hiện những băng rôn quảng cáo khuyến mại, chuyển nhượng cửa hàng không chỉ có mức giá mà còn kèm cả mốc thời gian cụ thể.

 

Cửa hàng quần áo của chị Mai Anh (Phố Thụy Khuê – Hà Nội) đã bớt đìu hiu sau khi thay quảng cáo “Sale off 50”  thành “Khuyến mại 50% trong vòng 1 tuần”. Được biết, lượng bán ra tăng rõ rệt, có thời điểm gấp đôi so với trước đó.

 

Chị Mai Anh cho hay: “Cách đây 2 tháng, mùa hè đã cận kề, các cửa hàng bên cạnh ào ào nhập hàng mới, trong khi cửa hàng tôi vẫn tồn hàng đông. Dù khuyến mại khủng lắm rồi nhưng không ai để ý. Đến khi thêm 1 tuần vào băng rôn thì khách mới vào xem đông nghịt. Làm như thế khiến mọi người sẽ có cảm giác sợ bỏ qua cơ hội, vì 1 tuần sẽ hết đợt khuyến mại.

 

Dạo quanh các phố buôn bán sầm uất ở Hà Nội, những kiểu khuyến mại như “Tuần giảm giá sốc”, “xả hàng 1 tuần cuối đông”, “3 ngày bán giá hạ 50%”, hay “1 ngày khuyến mại mua 1 tặng 1”…đang tỏ ra hút khách hơn cả. Theo lời một số người bán hàng, sở dĩ cách này phát huy tác dụng do đánh trúng tâm lý của khách hàng.

 

 “Nếu chỉ để khuyến mại bao nhiêu phần trăm thì có người cứ chờ đợi để xem có giảm thêm nữa không, còn có người lại nghĩ không cần vội khuyến mại phải vài ba tuần chứ không thể vài hôm được”, một nhân viên bán quần áo tiết lộ.

 

Lừa khách ngoạn mục bằng chiêu “khuyến mại sắp hết”
Những kiểu quảng cáo như thế này ngày càng nhiều

 

Khuyến mại khủng không còn sức hấp dẫn như những năm trước, sở dĩ một số cửa hàng nhập nhẹm chất lượng hàng khuyến mại, nên người tiêu dùng tỏ ra cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, khi kiểu khuyến mại kèm “deadline” này được đưa ra, nhiều tín đồ mua sắm hào hứng rút hầu bao.

 

Chị Lan Nga (Định Công – Hà Nội) thừa nhận: “Có thời hạn diễn ra khuyến mại, tôi bị cuốn hút hơn. Chứ chỉ khuyến mại không, nhiều lúc chậc lưỡi cho qua hoặc chần chừ không có gì phải vội”.

 

Tại phố Đội Cấn, cách đây không lâu còn có trưng cả biển quảng cáo “Sang nhượng mặt bằng thời hạn chỉ còn 3 ngày” với kích thước khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, vì buôn bán khó khăn trong khi giá thuê mặt bằng khá đắt, nên chủ cửa hàng đã tìm cách này để hút người có nhu cầu kinh doanh tìm đến.

 

Cẩn thận

 

Tuy nhiên, ngoài các cửa hàng khuyến mại thực sự thì có không ít cửa hàng đã dùng “chiêu” này nhằm hút khách, nhưng thực chất thời gian không phải như tuyên bố đưa ra.

 

Anh Hữu Phú (Hà Đông – Hà Nội) kể: “Cách đây không lâu, trên đường đi làm về, tôi có ghé mua một số cây cảnh vỉa hè do nhìn thấy tấm biển khuyến mại 2 ngày cuối cùng. Tôi quyết định mua ngay, vì lo không kịp mua trước khi kết thúc 2 ngày khuyến mại. Nhưng, mấy ngày sau đó vẫn chưa thấy tấm biển đó được gỡ xuống. Thậm chí, sau đó vài tuần vẫn thấy vài ba biển quảng cáo khác khuyến mại 1 tuần, khuyến mại nốt 5 ngày…tiếp tục được đưa ra”.

 

Những tưởng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, nhưng điều mà khách hàng lo lắng là con số phần trăm giảm giá là có đúng đã giảm hay không. Không chỉ có anh Phú, mà một số khách hàng khác cũng tỏ ra chán nản với những tấm biển khuyến mại có thời hạn.

 

Đặc biệt, nhiều cửa hàng quần áo đã dùng chiêu “tuần khuyến mại sốc”, “ngày sale off”, nhưng nhiều ngày sau khi kết thúc thời hạn ghi trên băng rôn mà các chương trình vẫn chưa kết thúc. Mốc bắt đầu không rõ, thời gian kết thúc không hay, ngày cuối là ngày nào cũng chẳng ai kiểm soát. Trong khi, người tiêu dùng cứ ào ào đi mua thì người bán hưởng lợi rất nhiều “2 ngày khuyến mại cuối cùng” khác nhau. 

 

Theo Anh Minh

VTCNews