LPBank muốn chuyển trụ sở từ Hà Nội sang tỉnh khác

Thảo Thu

(Dân trí) - Ngân hàng do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT bất ngờ bổ sung thêm tờ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường về việc chuyển địa điểm trụ sở chính khỏi Hà Nội.

Theo cập nhật mới nhất trong tài liệu đến ngày 16/11, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã chứng khoán: LPB) cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt việc chuyển địa điểm trụ sở chính.

Trụ sở hiện tại của LPBank tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ được chuyển sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam. Địa điểm cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị LPBank toàn quyền quyết định.

Ngân hàng nêu, qua khảo sát, ban lãnh đạo ngân hàng nhận thấy tại các vùng ngoài trung tâm đặc biệt là trung tâm các tỉnh thành đều có hệ thống giao thông thông thoáng, thuận tiện cho hoạt động kinh doanh và mở rộng mạng lưới của ngân hàng.

Đồng thời, việc chuyển trụ sở chính đến địa điểm khác cũng tạo điều kiện cho ngân hàng này mở rộng thị trường...

LPBank muốn chuyển trụ sở từ Hà Nội sang tỉnh khác - 1

LPBank bất ngờ muốn chuyển trụ sở ngân hàng (Ảnh: LPB).

Ngân hàng cho rằng việc chuyển trụ sở chính đến địa điểm khác sẽ giúp khu vực đó được tăng nguồn lực tài chính, hỗ trợ đầu tư và triển khai các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn được thuận lợi tiếp cận vốn ưu đãi nhằm đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng…

Một trong những thông tin tâm điểm tại đại hội lần này của LPBank là kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ, tương đương 73 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT). LPBank có thể sẽ phải chi khoảng 10.000 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Theo LPBank, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp ngân hàng đa dạng kênh đầu tư và tối ưu vốn góp của cổ đông. Trong đó, HĐQT nhận thấy cổ phiếu của FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản.

Bên cạnh kế hoạch mua cổ phần FPT, ngân hàng cũng dự kiến trình cổ đông thông qua một số nội dung khác, gồm phương án tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Tại phiên họp đầu năm, ngân hàng được thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, HĐQT đã điều chỉnh phương án này, LPBank chỉ tăng vốn lên 29.800 tỷ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%.

Danh sách ứng viên HĐQT bổ sung cho nhiệm kỳ 2023-2028 được HĐQT đề cử gồm bà Vương Thị Huyền và ông Yew Teong Soon (Alan).

Theo trích ngang sơ yếu lý lịch của ứng viên, bà Vương Thị Huyền sinh năm 1974, là cử nhân kinh tế Học viện Ngân hàng và lấy bằng thạc sỹ tại Trường Đại học Nam Columbia.

Ông Yew Teong Soon (Alan) là thành viên độc lập Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán LPBank từ tháng 12/2023 đến nay. Đồng thời, ông đang đảm nhiệm chức vụ tư vấn viên cấp cao khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Công ty Tài chính Quốc tế IFC.

Hôm nay (16/11), cũng ngày diễn ra đại hội cổ đông bất thường, LPBank thay đổi đề xuất một ứng viên thành viên độc lập HĐQT. Ông Yew Teong Soon (Alan) được thay thế thành ông Phạm Phú Khôi.

Ông Khôi sinh năm 1963, là thạc sí quản trị kinh doanh, được giới thiệu có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Hiện ông Khôi là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam và Chủ tịch HĐQT Côngty cổ phần Chứng khoán LPBank.

LPBank có tên cũ là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt. Nhà băng này thông qua kế hoạch đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam tại phiên họp thường niên và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ giữa tháng 7. Trước đó, ngân hàng này cũng đã đổi nhận diện thương hiệu, sau khi Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn.

Hàng loạt thay đổi diễn ra sau khi ông Nguyễn Đức Thụy lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thụy được bầu vào Hội đồng quản trị ngân hàng từ cuối tháng 4/2021 và làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị khoảng một tuần sau đó. Cuối năm 2022, ông được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm