1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lồng bè tan nát sau bão, thủy sản nuôi trồng ở Khánh Hòa suy giảm

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh này năm 2017 đã suy giảm hơn 8% do hàng loạt các lồng bè, ao đìa nuôi trồng thủy sản ở vùng phía bắc tỉnh này bị hư hại sau bão số 12.

Hàng loạt lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp, cá mú... trên Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa tan hoang sau bão số 12 hồi tháng 11 năm nay
Hàng loạt lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp, cá mú... trên Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa tan hoang sau bão số 12 hồi tháng 11 năm nay

Theo đó, năm 2017, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ước đạt 107,76 nghìn tấn, tăng 1,48% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng đánh bắt thủy sản đạt 95,4 nghìn tấn (tăng 2,86%), sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 12,3 nghìn tấn (giảm tới 8,04%).

Lý do khiến sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm là do ảnh hưởng của cơn bão số 12 vào đầu tháng 11.

Cụ thể, cơn bão số 12 đã khiến hơn 1.600 tàu thuyền tại tỉnh Khánh Hòa bị chìm và hư hỏng nặng; hơn 35.700 lồng bè và hơn 1.700 ha ao, đầm nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại hoàn toàn.

Các vùng nuôi trồng thủy hải sản có tiếng ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa như đầm Nha Phu, Vịnh Vân Phong… bị thiệt hại nặng nề sau bão. Theo ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), đến nay bão số 12 đã khiến hơn 13.000 lồng bè bị hư hỏng, gần như mất trắng. Huyện Vạn Ninh được xem là “thủ phủ” tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), cho biết, sau bão số 12 quét qua 2 tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên, lượng tàu thuyền vươn khơi đánh bắt giảm khoảng một nửa so với lượng phương tiện hiện hữu.

Theo đó, sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương sau bão cũng khá èo uột, phần lớn các tàu thua lỗ hoặc may mắn đủ phí tổn. “Sản lượng thấp lắm! Các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, thậm chí có tàu đạt 3 con, 5 con”, ông Nguyễn Trung Hiếu, trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ nói.

Được biết, mỗi chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa, Nhà giàn DK1.. có mức chi phí 60-80 triệu đồng/chuyến. Mỗi tàu cá phải đạt ít nhất từ 8 tạ đến 1 tấn/chuyến mới có lãi.

Người dân nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã mất tiền tỷ sau bão số 12 do bè tôm bị vỡ, tôm thoát ra biển
Người dân nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã mất tiền tỷ sau bão số 12 do bè tôm bị vỡ, tôm thoát ra biển

Liên quan đến Nghị định 67 về một số Chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến hết tháng 11 năm nay, các ngân hàng thương mại đã tiếp cận 45/45 khách hàng được duyệt với 55 tàu cá, ký hợp đồng tín dụng cho vay 28 tàu, cam kết cho vay hơn 248 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 218 tỷ đồng, đạt khoảng 88%. Hiện nay, tại tỉnh Khánh Hòa đã hạ thủy, đưa vào hoạt động khai thác 19 tàu cá theo Nghị định 67.

Theo đó, các tàu cá đã hạ thủy theo Nghị định này được cho là hoạt động tốt, đánh bắt có nguồn thu và trả nợ đúng hạn.

Viết Hảo

Lồng bè tan nát sau bão, thủy sản nuôi trồng ở Khánh Hòa suy giảm - 3