“Lời giải” của Thủ tướng về bài toán nợ công

(Dân trí) - Trước tình hình nợ công tăng mạnh và dự báo chạm trần năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị với hàng loạt “liều thuốc mạnh” để trị lãng phí, siết chặt quản lý sử dụng nợ công.


Tại Chỉ thị, Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài nhà nước, Nhà nước vẫn phải sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (VGP)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (VGP)

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, tính đúng tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. 

Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.  

Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các tiêu chí nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép (nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%).

Gắn phân cấp với tự chịu trách nhiệm trong quyết định sử dụng vốn và trả nợ vay

Để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trước mắt từ nay đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý nợ công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào Quý III/2015. Sớm ban hành Thông tư về quản lý tài sản bảo đảm đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ trong năm 2015. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý cho vay lại đối với chính quyền địa phương, cơ chế đẩy mạnh cho vay lại thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016.

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án chương trình trung hạn về trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế nhằm tăng cường huy động vốn vay dài hạn để tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn, giảm chi phí, chủ động và đa dạng hóa hình thức vay cho đầu tư phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2015; đề án xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý IV/2015.

Nợ công của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây
Nợ công của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 về quản lý và sử dụng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi từ các nhà tài trợ (trình Chính phủ trong Quý II/2015) theo hướng gắn khâu huy động, phân bổ, quyết định đầu tư với khả năng bố trí nguồn lực thực hiện (mặt bằng, nguồn nhân lực, vốn đối ứng), khả năng trả nợ; gắn phân cấp với tự chịu trách nhiệm trong quyết định sử dụng vốn và trả nợ vay.

Xây dựng, sớm công bố công khai hệ thống các chỉ tiêu dự báo về kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 để làm căn cứ tính toán, xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian hoàn vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm thiểu chi phí vay. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các chủ dự án, doanh nghiệp trực thuộc trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay lại, bảo lãnh Chính phủ, bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu theo quy định, kiềm chế gia tăng nợ xấu, hạn chế tối đa phát sinh nợ quá hạn, đảm bảo thực hiện theo đúng các cam kết.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015, tất cả các khoản vay mới của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công đều phải đăng ký với Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát thực hiện các chỉ tiêu giới hạn nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên nguyên tắc xác định rõ cơ chế tài chính (cấp phát,cho vay lại) trước khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư và đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay nợ công, đặc biệt là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, bố trí vốn chủ sở hữu, tình hình sử sụng vốn vay, thu hồi và trả nợ công. Tổ chức việc công bố công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và việc thực hiện các kết luận theo quy định của pháp luật. Đề xuất với Chính phủ có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng nợ công.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”