1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lợi dụng xả trạm BOT, xe giao hàng "chui" vượt chốt chặn vào TPHCM

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cảnh báo nhiều doanh nghiệp, nhà xe lợi dụng việc tạm dừng thu và miễn phí tại các trạm BOT hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 để vượt chốt chặn đi vào TPHCM.

Cơ quan quản lý đường bộ thông tin, gần đây ghi nhận nhiều trường hợp xe ô tô dán bảng "xe hướng về Sài Gòn", "đoàn xe từ thiện", "xe hội chữ thập đỏ"... để qua chốt kiểm soát vào TPHCM, nhưng thực chất là để giao hàng "chui".

Đáng nói, tất cả đều là xe từ thiện "trá hình", giả danh xe cứu trợ, xe từ thiện để vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách. Các nhà xe di chuyển tới các bãi tập kết để giao hàng gây mất trật tự an toàn giao thông và vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Liên quan tới vấn đề trên, chiều 21/7, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) - cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, ngày 19/7, Tổng cục ĐBVN đã quyết định tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 ở khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.  

Để thống nhất thực hiện các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng để trục lợi, TCĐB Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan đến tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Lợi dụng xả trạm BOT, xe giao hàng chui vượt chốt chặn vào TPHCM - 1

Một trạm BOT tạm dừng thu phí tại cửa ngõ ra vào TPHCM để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: TTXVN).

"Đối tượng miễn phí dịch vụ đường bộ được áp dụng là xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, chở người từ vùng dịch về các địa phương; các phương tiện chở cán bộ, người làm việc tại các chốt kiểm dịch do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập. Các phương tiện chở hàng hóa ủng hộ nhân dân các vùng dịch" - ông Huyện thông tin.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các điều kiện để các phương tiện được miễn phí là các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa; các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương; các phương tiện chở cán bộ, người làm việc tại các chốt kiểm dịch do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập cần xuất trình giấy tờ liên quan như lệnh điều động, các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các phương tiện chở hàng hóa ủng hộ nhân dân các vùng dịch phải có văn bản của chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội liên quan đến công tác cứu trợ, nhân đạo (Ủy ban mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ...) và thực tế có chở hàng hóa thiết yếu ủng hộ nhân dân các vùng dịch.

"Nếu các phương tiện không đủ 2 yếu tố trên, các đơn vị thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định" - ông Huyện nhấn mạnh và cho biết, toàn bộ việc miễn phí cho các xe nêu trên bên cạnh việc thực hiện lưu trữ, các đơn vị thực hiện ghi chép cụ thể số lượng, biển số, chủng loại phương tiện, lập biên bản từng ca có đầy đủ chữ ký của lãnh đạo trạm, trưởng ca và nhân viên thu phí. Các đơn vị chịu trách nhiệm thống kê đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác về đối tượng được miễn phí.

Về việc gia hạn thời gian sử dụng vé tháng, vé quý đối với các phương tiện có vé tháng, vé quý mà thời gian hiệu lực trùng với thời gian tạm dừng thu phí theo Chỉ thị số 16, các đơn vị xác định số ngày không được sử dụng vé tháng, vé quý của các chủ phương tiện trong giai đoạn tạm dừng thu phí, thực hiện bù vào tháng, quý tiếp theo, sau khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

"Đối với chủ phương tiện tiếp tục mua vé tháng, vé quý, ghi bổ sung số ngày tạm dừng thu phí vào thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý. Đối với chủ phương tiện không tiếp tục mua vé tháng, vé quý ghi bổ sung thời gian được gia hạn, đóng dấu giáp lai vào vị trí ghi bổ sung trên vé tháng, vé quý để chủ phương tiện sử dụng.

Các đơn vị cập nhật vé tháng, vé quý được gia hạn vào phần mềm quản lý thu phí để kiểm tra, giám sát; đảm bảo mỗi chủ phương tiện bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội được gia hạn thời gian sử dụng vé tháng, vé quý đúng bằng thời gian bị ảnh hưởng theo quy định" - ông Huyện cho hay.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng lưu ý, trường hợp xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong cán bộ, công nhân viên tại trạm thu phí, các đơn vị thực hiện ngay các biện pháp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.