1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cần Thơ:

Loay hoay xác định “ngành công nghiệp mũi nhọn”

(Dân trí) - Trong cuộc họp báo cáo đề án “Xây dựng danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020” vào ngày 18/8, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ vẫn chưa xác định được “ngành công nghiệp mũi nhọn”.

Đại diện đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Anh Nam, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Công nghiệp (Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp-Bộ Công thương), nêu khái niệm: “Ngành công nghiệp mũi nhọn (CNMN) thuộc các ngành công nghiệp sẽ là động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển; là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng…”
 
Loay hoay xác định “ngành công nghiệp mũi nhọn” - 1
Đến nay nông, thủy sản vẫn là những ngành chủ lực của Cần Thơ
 

Theo ông Nam, có 13 ngành được nhà tư vấn xem xét lựa chọn trong đề án của TP.Cần Thơ, trong đó có 10 ngành công nghiệp ưu tiên và 3 ngành CNMN.

 

3 ngành CNMN gồm: (1) ngành cơ khí chế tạo, gia công kim loại, (2) ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, (3) ngành sản xuất các sản phẩm từ công nghệ mới. 3 ngành này được lựa chọn xây dựng từ giai đoạn 2011-2020.

 

Tuy nhiên, khi xem xét 3 ngành CNMN ở trên thì nhiều đại biểu của các Sở, ban ngành TP.Cần Thơ lại tỏ ra rất băn khoăn. Ông Võ Thành Thống- phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đặt câu hỏi cho nhà tư vấn là 3 ngành này liệu có tính khả thi hay không khi Cần Thơ chưa có cơ sở gì phục vụ cho các ngành này.

 

Còn đại diện các Sở Kế hoạch- Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên- Môi trường, Khoa học- Công nghệ… thì cho rằng, xây dựng ngành CNMN cần phải dựa trên thế mạnh, cái “vốn có” của TP. 3 ngành được chọn hầu như thiên về khoa học công nghệ, trong khi Cần Thơ thì đang phát triển chủ yếu là nông, thủy sản. Có đại biểu còn thẳng thắn, ngành (1) và (2) thì có thể định hướng được nhưng ngành thứ (3) thì có gì đó “xa vời” quá.

 

Đại diện nhà tư vấn, ông Nguyễn Anh Nam cho rằng, các ngành CNMN này được chọn như là để “đón đầu”. Ông Nam lý giải, hiện các ngành này bên Nhật Bản phát triển khá mạnh, tuy nhiên vừa rồi Nhật Bản bị khủng hoảng nhà máy hạt nhân nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các cơ sở sản xuất của nhóm ngành này.

 

Do đó, rất có thể khi họ chọn nước nước nào đó để đầu tư sản xuất phục hồi các sản phẩm thì nhiều khả năng họ sẽ chọn Việt Nam vì nước ta hiện được xem là nơi đầu tư rất an toàn.

 

Song, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này rất khó bởi nếu như họ không chọn Việt Nam thì “biết phải làm sao” và chưa chắc chọn Cần Thơ. Ngoài ra, theo khái niệm về ngành CNMN nêu ở trên thì với Cần Thơ hiện nay nông, thủy sản vẫn là các ngành hàng đầu nhưng vẫn chưa là “thương hiệu đặc trưng” thì làm sao chắc chắn Cần Thơ có thể tạo thương hiệu cho riêng mình về 3 ngành CNMN này.

 

Ông Võ Thành Thống kết luận, thời gian này chưa thể chọn 3 ngành này là các ngành CNMN của TP bởi TP.Cần Thơ hiện chưa có gì đảm bảo có thể thực hiện được việc sản xuất các sản phẩm.

 

“Tốt nhất là đưa 3 ngành CNMN này vào chiến lược tầm nhìn ở những năm tiếp theo. Chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ, đưa ra tham khảo hoặc thậm chí mở các cuộc hội thảo trong thời gian tới và sau đó là lập riêng một đề án ngành CNMN thì mới khả quan hơn và đến lúc đó chọn cũng chưa muộn” - ông Thống nói.

 

Huỳnh Hải