1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Loạt tập đoàn "đặt hàng" Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam

An Linh

(Dân trí) - Một loạt tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đã "đặt hàng", thậm chí đưa ra "thách thức" đối với Trung tâm Đổi mới, sáng tạo Việt Nam (NIC) của Bộ KH&ĐT ngay sau khi NIC được khởi công xây dựng mới đây.

Hai trong số hàng loạt đề xuất, sáng kiến của lãnh đạo các tập đoàn lớn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi cơ quan này khởi động xây dựng Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội mới đây.

Theo đề xuất của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, thời gian tới NIC nên chọn một số ngành nghề có khả năng đóng góp lớn nhất cho đất nước, từ đó lựa chọn ra các doanh nghiệp để kết nối, từ đó tạo ra mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn quốc.

Loạt tập đoàn đặt hàng Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam - 1

Nhiều doanh nghiệp lớn về công nghệ tại Việt Nam đề xuất giải pháp, đặt hàng thậm chí thách thức vai trò của NIC từ khi trung tâm này mới khởi công

Ngoài ra, NIC cần hỗ trợ những lĩnh vực mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần, như thủ tục hành chính, đào tạo, nhân lực, tiếp cận thị trường, nguồn vốn…, đặc biệt là chính sách mạnh mẽ hỗ trợ thuế phí, làm sao thúc đẩy hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, cấp phép cho những sản phẩm, dịch vụ mới.

"Những vấn đề mới hiện nay được tiếp nhận chậm, nhưng đã là chuyển đổi số thì cái gì cũng mới nên điều này rất quan trọng" - ông Dũng nói. Đặc biệt, theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Để biến Đổi mới, sáng tạo trở thành xu hướng thực chất, NIC cần thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam tham gia mạng lưới này.

Đây là cơ sở để hỗ trợ, đồng hành và đặt hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng người khởi nghiệp để họ hiện thực hóa ý tưởng, ước mơ của mình.

Với hệ sinh thái công nghệ, viễn thông và tiềm lực lớn, lãnh đạo Viettel khẳng định sẵn sàng nhận vai trò tiên phong, chủ lực, dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng xã hội số tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Long - đại diện Samsung Việt Nam - đề nghị thông qua NIC mong muốn tìm kiếm nhiều hơn các đối tác, bạn hàng để Việt hóa các ý tưởng và sản phẩm ở Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn này cho biết, ngoài các kế hoạch hỗ trợ đối tác là các vendor hiện nay của Samsung, tập đoàn này cũng đang liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu và các cá nhân khởi nghiệp để cung cấp học bổng, săn tìm các ý tưởng và phát minh mới.

"Chúng tôi hy vọng tại các trường học, viện nghiên cứu và người khởi nghiệp sẽ có những tài năng, những doanh nhân và đối tác mới của Samsung trên thị trường Việt Nam" - ông Long nói.

Ông Nguyễn Bá Diệp - đại diện của Ví điện tử Momo - cho rằng, dịch Covid-19 vừa qua, các ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp bán lẻ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng số hóa, từ đó doanh nghiệp có thể xây dựng các chương trình marketing, quản lý cho riêng mình.

"Chúng tôi sẵn sàng giúp các doanh nghiệp tìm khách hàng, nguồn hàng bằng các ứng dụng điện tử để xóa nhòa khoảng cách. Một khi đã có khách hàng, sản phẩm thì việc tìm nguồn vốn sẽ trở nên đa dạng và dễ dàng hơn" - đại diện Momo cho hay.

Theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ, Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Các chính sách ưu đãi cho NIC bao gồm: hưởng ưu đãi trong tín dụng đầu tư của Nhà nước, được ưu tiên thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu CNC và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê; Được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu sử dụng cho nghiên cứu khoa học; được hưởng các thuế xuất ưu đãi mức cao nhất hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm