1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Loạt tác động từ xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, theo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương).

Ảnh hưởng không nhỏ 

Nhận định về tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những biến động thị trường tới tăng trưởng, phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế thương mại, cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong đó một số ảnh hưởng trực tiếp được nêu ra như sản xuất, xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu và giá cả. Tiếp đến là việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thanh toán các hợp đồng thương mại.

Các doanh nghiệp có dự án hợp tác với Nga, Ukraine, Belarus và các nước có liên quan trong cuộc khủng hoảng cũng sẽ chịu tác động.

Loạt tác động từ xung đột Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam - 1

Phái đoàn Nga và phái đoàn Ukraine (phải) đàm phán tại Belarus hôm 28/2 (Ảnh: Reuters).

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD (tăng 13,2%) và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD (tăng 14,9%).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 33%), máy vi tính và sản phẩm điện tử (13%), dệt may (10,5%), cà phê (5,4%), thủy sản (5,1%).

Đối với thị trường Ukraine, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD (tăng 50,6% so với năm 2020), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 344,6 triệu USD (tăng 21%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 375,8 triệu USD (tăng 94,2%).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 49% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ucraina), thủy sản (8,3%), máy móc, thiết bị phụ tùng (5,4%), giày dép các loại (4,87%), máy vi tính và sản phẩm điện tử (4,84%).

Nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng điều này "chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên".

Trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng gì?

Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng trong ngắn hạn, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết sẽ có tác động tới hàng hóa, cung cầu và giá cả. Cuộc xung đột này đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn.

Do đó nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong thời gian tới.

Về thanh toán các hợp đồng thương mại, đối với Nga, liên tiếp trong thời gian vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng - tài chính của Nga như cấm giao dịch bằng đồng USD với các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, VTB,…; hạn chế huy động vốn thông qua thị trường Mỹ; đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga …

Những bước trừng phạt này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng sử dụng đồng tiền thanh toán là đô la Mỹ. Ngoài ra, tỷ giá đồng Rub biến động, mất giá rất mạnh khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị tạm dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.

Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Về trung hạn và dài hạn ảnh hưởng ra sao?

Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng hiện nay còn quá sớm để có thể đánh giá những tác động trung và dài hạn trong căng thẳng hai nước đến quan hệ thương mại với Việt Nam. Và điều này cũng tùy thuộc vào nhiều khả năng xảy ra.

Trong trường hợp Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng thực thi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất, kèm theo sự việc kinh tế toàn cầu phục hồi do hậu quả của đại dịch Covid-19, một số nhà phân tích đã dự báo một kịch bản xấu với kinh tế Nga trong năm 2022 với GDP giảm 7-10%, lạm phát lên tới 14-16%, tỷ giá đồng Rub sẽ ở mức 110 - 110 Rub/USD, sức mua của người dân giảm sút mạnh…

Kéo theo đó thương mại song phương giữa Nga với các nước trên thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực.
Riêng đối với Ukraine, kinh tế chắc chắn sẽ khó khăn hơn và cần nhiều thời gian hơn để phục hồi trở lại, do đó kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước cũng sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực.

Các thị trường tài sản sẽ thế nào?

Một số công ty chứng khoán, nghiên cứu thị trường cũng đã đưa ra các nhận định trước tác động của cuộc khủng hoảng xung đột này.

Theo nhóm nghiên cứu VnDirect, xung đột Nga - Ukraine sẽ đẩy giá dầu và phân đạm tiếp tục neo ở mức cao cũng như gây khó khăn cho chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia này, dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105- 110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.

Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến tiếp tục leo thang trong năm 2022.

Cũng theo VnDirect, các số liệu thống kê lịch sử cho thấy các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

"Chúng tôi cũng cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam; song nhìn chung quy mô tác động không lớn đến nền kinh tế", chuyên gia VnDirect nêu quan điểm.

Các chuyên gia này cũng dự báo đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc. Vàng vốn dĩ được coi là "tài sản trú ẩn an toàn" và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.

Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt, công ty chứng khoán này cho biết.