1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Loạt ngân hàng thay lãnh đạo "ghế nóng"

Thảo Thu

(Dân trí) - Các ngân hàng ghi nhận hàng loạt biến động tại vị trí cấp cao trong mùa họp đại hội cổ đông 2023.

Ngân hàng Quân đội (MB) mới đây công bố quyết định bổ nhiệm ông Lưu Trung Thái - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB - giữ chức Chủ tịch HĐQT thay Thượng tướng Lê Hữu Đức.

Ông Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 theo nguyện vọng cá nhân và đề xuất đại hội đồng cổ đông của ngân hàng thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

HĐQT ngân hàng cũng bổ nhiệm ông Phạm Như Ánh chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của tổng giám đốc.

Ông Lưu Trung Thái (sinh năm 1975), được giới thiệu là đã có 26 năm gắn bó với MB và nhiều năm nắm giữ các vị trí quan trọng như Giám đốc chi nhánh, Giám đốc nhân sự, Phó tổng giám đốc. Còn ông Phạm Như Ánh (sinh năm 1980) được giới thiệu là có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, ngân hàng.

Loạt ngân hàng thay lãnh đạo ghế nóng - 1

Ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch HĐQT MB (Ảnh: MB).

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa rồi cũng công bố bổ nhiệm 2 phó chủ tịch Hội đồng quản trị mới cho nhiệm kỳ 2022-2027. 2 người này là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải. Trong đó, ông Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989) là con trai cả của Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển.

Còn ông Đỗ Đức Hải (sinh năm 1982) được giới thiệu là có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh SHB Vạn Phúc từ năm 2021 đến nay.

Hay tại LienVietPostBank từ cuối năm 2022 đến nay cũng chứng kiến nhiều thay đổi về dàn nhân sự thượng tầng.

Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) được bầu làm Chủ tịch ngân hàng, thay thế cho ông Huỳnh Ngọc Huy.

Tháng 3 vừa rồi, ông Phạm Doãn Sơn - người gắn bó với ngân hàng từ năm 2008, xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc vì nguyện vọng cá nhân. Sau khi ông Sơn từ nhiệm, ông Hồ Nam Tiến (sinh năm 1971) - Phó tổng giám đốc thường trực - trở thành người tạm điều hành hoạt động từ ngày 17/3. Ông Tiến là Phó tổng giám đốc ngân hàng từ tháng 8/2010.  

Sau đó, ngân hàng này công bố thông tin ký hợp đồng lao động với ông Đoàn Nguyên Ngọc (em rể bầu Thụy) và ông Nguyễn Văn Thùy (em trai bầu Thụy), vốn là nhân sự chủ chốt tại Công ty Bảo hiểm Xuân Thành.

Loạt ngân hàng thay lãnh đạo ghế nóng - 2

Ông Phạm Doãn Sơn, người từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc LienVietPostBank từ giữa tháng 3 (Ảnh: LPB)

Còn theo tài liệu họp cổ đông 2023 của Vietcombank, ngân hàng này dự kiến bầu HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với các đề cử gồm có 6 thành viên đương nhiệm: ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Tổng giám đốc); ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào và ông Hồng Quang đều là Thành viên HĐQT.

Danh sách trên không có tên 2 thành viên đương nhiệm là ông Shojiro Mizoguchi - Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc, người đại diện phần vốn của Mizhuo Bank tại Vietcombank và ông Trương Gia Bình - Thành viên HĐQT độc lập - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

HDBank vừa rồi cũng đã công bố tờ trình miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm - Thành viên HĐQT - đã gắn bó với nhà băng này 10 năm. Bà Tâm rời HĐQT ngân hàng theo nguyện vọng cá nhân. Ngân hàng này trình bầu bổ sung ông Phạm Quốc Thanh (sinh năm 1970) - Tổng giám đốc - vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027. Ông Thanh được giới thiệu từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như HSBC, ACB, ABBank, Techcombank... trước khi gia nhập HDBank năm 2013.  

Nhân sự lãnh đạo cấp cao tại nhiều ngân hàng có sự chuyển động mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ tạo "làn gió mới" cho ngành ngân hàng. Diễn biến này trùng thời điểm nhiều ngân hàng sắp họp đại hội cổ đông công bố những thương vụ bán vốn, bán công ty con cho các đối tác ngoại. Một số khác cũng chuẩn bị sáp nhập các công ty tài chính khác để mở rộng hệ sinh thái.